Hành tinh mới được đặt tên là Proxima d, ước tính chỉ nặng bằng 1/4 Trái Đất, khiến nó trở thành một trong những ngoại hành tinh đá nhẹ nhất từng được biết đến. Thiên thể chỉ mất 5 ngày để hoàn thành một vòng quay xung quanh sao chủ Proxima Centauri, còn được gọi là Cận Tinh. Quỹ đạo này gợi ý rằng Proxima d có nhiệt độ quá nóng để sự sống có thể tồn tại.
Cận Tinh nằm cách hệ Mặt Trời chỉ 4,2 năm ánh sáng. Ngôi sao lùn đỏ này có bán kính bằng 0,11 - 0,145 lần Mặt Trời, nhưng mật độ gấp tới 40 lần. Nó có độ sáng trung bình rất thấp, nhưng thỉnh thoảng bừng sáng do hoạt động của từ trường.
Các nhà thiên văn học đã xác định Proxima d bằng cách sử dụng máy đo quang phổ ESPRESSO trên Kính viễn vọng Rất lớn (VLT) tại Đài thiên văn phía nam châu Âu (ESO) ở Chile. ESPRESSO tìm kiếm các hành tinh thông qua kỹ thuật vận tốc xuyên tâm, nhận biết sự dao động nhẹ trong chuyển động của một ngôi sao gây ra bởi lực hấp dẫn của một vật thể quay quanh quỹ đạo.
Trong trường hợp của Proxima d, những lực này thực sự rất nhỏ, tương ứng với một hành tinh có khối lượng thấp, theo nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Astronomy & Astrophysics hôm 10/2.
Trước Proxima d, hai hành tinh khác là Proxima b và c - lần lượt quay xung quanh Proxima Centauri trong 11 ngày và 5,2 năm - cũng được xác định bằng kỹ thuật vận tốc xuyên tâm.
"Thành tựu này vô cùng quan trọng. Nó cho thấy kỹ thuật vận tốc xuyên tâm có tiềm năng tiết lộ một quần thể hành tinh, giống như hệ hành tinh của chúng ta, hệ thống được cho là phong phú nhất trong dải Ngân Hà và có khả năng hỗ trợ sự sống trên Trái Đất", nhà khoa học Pedro Figueira tại ESO, đồng tác giả của nghiên cứu, nhấn mạnh.
"Phát hiện mới cho thấy hàng xóm gần nhất của Mặt Trời dường như chứa đầy những thế giới thú vị, đáng để khám phá và nghiên cứu thêm trong tương lai", tác giả chính Joao Faria, nhà nghiên cứu tại Viện Vật lý Thiên văn và Khoa học Không gian Bồ Đào Nha, nói thêm.
Đoàn Dương (Theo Space/Metro)
- Phát hiện ngoại hành tinh có khí quyển nhiều tầng như Trái Đất
- Kính Hubble chụp ảnh ngoại hành tinh trẻ nhất