Vào kỷ Jura, trong môi trường ấm và ẩm với động thực vật phong phú ở khu vực ngày nay là tây nam bang Montana, Mỹ, một con khủng long cổ dài chưa trưởng thành bị ốm nặng với các triệu chứng giống như cúm và viêm phổi, có thể gồm sốt, mệt mỏi, khó thở, ho, hắt hơi và tiêu chảy.
Khoảng 150 triệu năm sau, các nhà khoa học tìm thấy bộ xương của nó. Con vật được đặt tên là "Dolly", trở thành trường hợp khủng long đầu tiên mang dấu hiệu bệnh hô hấp từng ghi nhận. Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Scientific Reports hôm 10/2.
Các nhà khoa học cho biết, Dolly dường như mắc một loại nhiễm trùng do nấm tương tự aspergillosis, bệnh đường hô hấp phổ biến thường gây tử vong cho các loài chim và bò sát hiện đại, đôi khi gây nhiễm trùng xương. Căn bệnh có thể đã giết chết Dolly.
Khủng long cũng mắc bệnh giống như bất kỳ loài động vật nào khác. Tuy nhiên, các nhà khoa học hiếm khi tìm thấy bằng chứng trong hóa thạch vì mô mềm rất khó bảo tồn trong quá trình hình thành hóa thạch vốn thích hợp cho những thứ cứng như xương, răng, móng vuốt. Trước đây, họ từng tìm thấy một số hóa thạch khủng long mang dấu vết của những trường hợp như xương gãy và đã lành, áp xe răng, nhiễm trùng đường máu ảnh hưởng đến xương, viêm khớp, thậm chí ung thư xương.
Dolly thuộc một loài mới trong nhóm khủng long chân thằn lằn - nhóm chuyên ăn thực vật với các đặc điểm như cổ dài, đuôi dài, đầu nhỏ và bốn chân vững chắc. Động vật trên cạn lớn nhất lịch sử Trái Đất cũng thuộc nhóm này. Dolly dài khoảng 18 m, nặng 4 - 5 tấn, chết ở độ tuổi 15 - 20, theo Cary Woodruff, giám đốc cổ sinh vật học tại Bảo tàng Khủng long Great Plains ở Malta, Montana, tác giả chính của nghiên cứu. Trong khi đó, các loài khủng long chân thằn lằn tương tự thường đạt mức trưởng thành khi gần 30 tuổi.
Dolly mắc bệnh đã lâu và đây là một bệnh mãn tính, theo Lawrence Witmer, đồng tác giả nghiên cứu. Nhiều trường hợp động vật không chết trực tiếp do bệnh mà trở thành con mồi của động vật ăn thịt hoặc chết đói do suy nhược. Các chuyên gia cũng tìm thấy hóa thạch của khủng long ăn thịt Allosaurus gần đó.
Xương của Dolly được khai quật vào năm 1990 và giai đoạn 2013 - 2015. Tên khoa học của loài vật mới sẽ được công bố trong một nghiên cứu tương lai. Có vẻ nó có họ hàng gần với khủng long Diplodocus. Nhóm nghiên cứu hiện chưa xác định được giới tính của Dolly.
Hóa thạch Dolly không chỉ mang lại thông tin về tình trạng sức khỏe của khủng long thời xa xưa mà còn cung cấp những chi tiết về cấu trúc giải phẫu của phổi và túi khí khủng long.
Khủng long chân thằn lằn và khủng long chân thú (nhóm ăn thịt bao gồm cả các loài chim) có đường hô hấp phức tạp hơn nhiều so với động vật có vú, kể cả con người. Ngoài phổi, chúng còn có những túi khí mỏng giống bóng bay ở các khoang cơ thể và xương. Với Dolly, sự phát triển bất thường của xương diễn ra ở phần nối giữa mô hô hấp và xương ở ba đốt sống, bằng chứng cho thấy bệnh nhiễm trùng lan ra từ phổi.
Thu Thảo (Theo Reuters)
- Ổ trứng khủng long hóa thạch 60 triệu năm
- 10 khám phá ấn tượng về khủng long năm 2021