Và khoảng 1,2 tỷ USD trong số đó được sử dụng để giữ chân các lập trình viên của Bungie, tránh tình trạng “tháo chạy” khi đổi chủ.
Theo Tweaktown đưa tin, trong buổi báo cáo tài chính vào ngày 2/2 vừa qua, Sony cho biết: “Khoảng 1/3 số tiền 3,6 tỷ USD được sử dụng để trả cho các cổ đông/nhân viên của công ty, với điều kiện là họ tiếp tục gắn bó với studio này, kèm theo 1 vài ưu đãi giữ chân khác”. Số tiền này sẽ được thành toán trong nhiều năm, với khoảng 2/3 trong số đó được trả vào 2 năm đầu tính từ khi thương vụ mua lại Bungie hoàn tất.
Vào năm 2019, Sony từng trả 229 triệu USD cho Insomniac Games, studio phụ trách sản xuất loạt game Spider-Man. Bungie sở hữu khoảng 900 nhân viên, gấp đôi so với Insomniac, và số tiền 1,2 tỷ USD cho thấy Sony đang sẵn sàng trả trung bình hơn 1 triệu USD cho mỗi lập trình viên của công ty này.
Những khoản chi trả khổng lồ như vậy là viễn cảnh không thể tránh khỏi khi tình trạng sáp nhập trong ngành công nghiệp gaming đang diễn ra ngày 1 mạnh mẽ hơn. Điều đó khiến mức độ cạnh tranh giữa các “ông lớn” ngày càng trở nên gay gắt, đặc biệt là trong việc chiêu mộ hoặc giữ chân nhân tài. Hành động của Sony cũng cho thấy họ luôn đặt yếu tố chuyên môn và kinh nghiệm lên hàng đầu để tạo ra những tựa game chất lượng nhất. Và để làm được điều đó, họ cần những lập trình viên giỏi nhất.
Tuy nhiên, không ít nhân viên của Bungie lại hiểu sai kế hoạch của Sony. Theo The Washington Post cho biết, một số lập trình viên coi sự hào phóng của Sony là “chiếc còng vàng” để trói buộc họ. Có người thậm chí còn chia sẻ rằng: “Tôi không hiểu vì sao họ lại phải trả tiền dàn trải trong nhiều năm như vậy. Họ muốn trói buộc chúng tôi trong nhiều năm hay gì?”
The Washington Post cũng cho biết các nhân viên của Bungie sẽ nhận được khoảng 50% số tiền này sau khi thương vụ hoàn tất, và một nửa còn lại sẽ được thanh toán trong những năm tiếp theo. Sau đó, không ai dám khẳng định có bao nhiêu lập trình viên sẽ tiếp tục gắn bó với studio này.
Một số người tỏ ra khá lạc quan về tương lai của Bungie khi về dưới mái nhà Sony, nhưng cũng không ít nhân viên cảm thấy lo lắng về những điều kiện làm việc đầy khắt khe tại các studio bên thứ nhất của PlayStation như Naughty Dog hay Sony Santa Monica. Trong 1 buổi giới thiệu với các nhà đầu tư gần đây, Sony đã công bố mục tiêu đầy tham vọng của mình: Phát hành 10 dịch vụ trò chơi trực tuyến trong vòng 4 năm tới và tăng gấp đôi doanh thu gaming bên thứ nhất vào năm 2025. Đó chắc chắn sẽ là áp lực không hề nhỏ cho họ, cũng như cho các studio như Bungie.
Theo Kotaku
https://genk.vn/sony-chi-36-ty-usd-de-mua-lai-bungie-1-3-so-tien-do-duoc-dung-chi-de-giu-chan-doi-lap-trinh-vien-20220205204956897.chn Lấy link