Dubai - tiểu vương quốc lớn thứ hai trong 7 tiểu vương quốc tạo nên UAE - nổi tiếng với chủ nghĩa tiêu dùng "không kiềm chế". Từ dịch vụ giao hàng tận nhà đến các siêu thị và cửa hàng, túi nhựa dùng một lần có mặt ở khắp mọi nơi.
"Để tăng cường tính bền vững về môi trường và khuyến khích các cá nhân giảm sử dụng quá nhiều đồ nhựa, Hội đồng điều hành Dubai đã thông qua chính sách hạn chế túi nhựa bằng cách áp thuế 25 fils (khoảng 0,07 USD) đối với mỗi túi nhựa dùng một lần", các nhà chức trách cho biết trong một tuyên bố hôm 7/2.
Quyết định sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 7 tại các cửa hàng, nhà hàng, hiệu thuốc và dịch vụ giao hàng tận nhà.
Tiểu vương quốc nhấn mạnh rằng đây mới chỉ là bước đầu tiên của chiến lược đã được lên kế hoạch qua nhiều giai đoạn, nhằm mục đích cấm hoàn toàn túi nhựa sử dụng một lần trong vòng hai năm.
"Tính bền vững đang trở thành ưu tiên toàn cầu, do đó, việc thay đổi hành vi của cộng đồng để giảm thiểu tác động xấu đến môi trường của các cá nhân là rất quan trọng để bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống", các nhà chức trách nói thêm.
Vào tháng 3/2020, Abu Dhabi, thủ đô của UAE, đã công bố "chính sách môi trường mới" nhằm loại bỏ đồ nhựa dùng một lần vào năm 2021, nhưng các quy định vẫn chưa được áp dụng. Điều đó có thể sẽ xảy ra khi UAE tổ chức hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu toàn cầu COP28 vào năm 2023. Tại hội nghị COP26 ở Anh vào năm ngoái, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã đặt mục tiêu đạt mức trung hòa carbon vào năm 2050.
Giống như hầu hết các quốc gia trong khu vực, nền kinh tế của UAE chủ yếu dựa vào nhiên liệu hóa thạch. Nước láng giềng Arab Saudi - nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - cũng đã đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.
Đoàn Dương (Theo AFP)
- Oman lên kế hoạch cấm túi nhựa dùng một lần
- New Zealand áp dụng lệnh cấm túi nhựa dùng một lần