Các nhà nghiên cứu ở Đại học Cincinnati tìm thấy bằng chứng về vụ nổ trên không của một thiên thể ở 11 địa điểm từng là nơi sinh sống của người Hopewell, một nền văn minh cổ đại ở Bắc Mỹ từng phát triển hưng thịnh dọc những dòng sông phía đông bắc và trung tây khu vực Eastern Woodlands cách đây khoảng 2.000 năm.
Trong nghiên cứu mới công bố hôm 1/2 trên tạp chí Scientific Reports, nhóm chuyên gia đứng đầu là Kenneth Tankersley, giáo sư nhân chủng học ở Đại học Cincinnati, mô tả chi tiết phát hiện kim loại hiếm như iridium và bạch kim, cũng như mảnh vỡ của thiên thạch đá gọi là pallasite, ở 11 địa điểm sinh sống khác nhau của người Hopewell. Họ cũng tìm thấy lớp than củi tại chỗ, chứng tỏ vùng đất từng trải qua vụ nổ đột ngột ở nhiệt độ cực lớn.
"Những mảnh vỡ thiên thạch này có dấu vết hóa học. Các sự kiện như vụ nổ trên không của tiểu hành tinh và sao chổi để lại lượng lớn nguyên tố hiếm như bạch kim", Tankersley cho biết. "Vấn đề là bạch kim cũng xuất hiện trong vụ phun trào núi lửa. Vì vậy, chúng tôi xem xét iridium, nguyên tố hiếm khác chỉ có ở những nơi như miệng hố va chạm thiên thạch. Chúng tôi nhận thấy cả lượng iridium và bạch kim đều tăng vọt".
Đây là bằng chứng thuyết phục cho thấy khu vực từng chịu ảnh hưởng của vụ nổ trên không, loại vụ nổ dữ dội khi một thiên thạch hoặc sao chổi lớn lao vọt qua khí quyển Trái Đất. Kết quả nghiên cứu hé lộ vụ nổ trên không nhiều khả năng dấy lên đám cháy ở khu rừng rộng 23.800 km vào khoảng năm 252 - 383. Cũng trong khoảng thời gian này, các nhà thiên văn học Trung Quốc đã ghi nhận hơn 60 sao chổi bay gần Trái Đất.
Vụ nổ xảy ra trùng với sự sụp đổ của nền văn minh Hopewell. Ban đầu, phần lớn cư dân thuộc nền văn minh cổ đại này sống sót qua vụ nổ, nhưng cháy rừng thiêu rụi đất đai, nhiều khả năng khiến nông nghiệp thất thu. Ngoài ra, nhiều bộ tộc có nguồn gốc từ người Hopewell như Algonquin và Iroquoian cũng có giai thoại và truyền thuyết kể về thảm họa kỳ lạ từ trên trời giáng xuống Trái Đất.
Các thảm họa như trên rất hiếm gặp nhưng không phải chưa từng xảy ra. Một nghiên cứu vào năm ngoái tìm thấy bằng chứng về vụ nổ cực mạnh tại di chỉ Tall el-Hammam ở Jordan cách đây khoảng 3.600 năm. Nhóm nghiên cứu nghi ngờ thảm họa truyền cảm hứng cho câu chuyện về Sodom và Gomorrah, hai thành phố bị "lửa trời" phá hủy trong Kinh Thánh. Năm 1908, một vụ nổ 30 megaton phá hủy khu rừng lớn gần sông Podkamennaya Tunguska ở Siberia. Nguyên nhân được cho là do vụ nổ trên không của thiên thạch bay qua khí quyển Trái Đất.
An Khang (Theo IFL Science)
- Vụ va chạm sao chổi thay đổi nền văn minh nhân loại