Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Earth and Planetary Science Letters số tháng 2 hé lộ sự tồn tại của một dãy núi chưa từng được biết tới trước đây có tên Siêu núi Nuna, nằm trên lục địa cổ đại rộng lớn cách đây 1,8 - 2 tỷ năm. Các nhà nghiên cứu cũng mô tả dãy núi thứ hai nhô lên 500 - 650 triệu năm trước, gọi là Siêu núi Transgondwanan. Phát hiện làm sáng tỏ hai thời kỳ trong lịch sử xa xưa của Trái Đất, khi các siêu lục địa khiến bề mặt hành tinh rất khác biệt so với ngày nay.
Siêu núi Transgondwanan nằm trên Gondwana, lục địa cổ xưa bao gồm Nam Cực, châu Phi, Nam Mỹ, khu vực Australasia và Ấn Độ, tồn tại cách đây 180 - 600 triệu năm. Sự phân tách của dãy núi dẫn tới quá trình hình thành những lục địa ngày nay. Siêu núi Nuna mới phát hiện nằm ở lục địa khác lâu đời hơn mang tên Columbia hay còn gọi là Nuna. Siêu lục địa này hợp thành từ nhiều dải đất như Nam Mỹ, châu Phi, đại lục Á Âu và Australasia khoảng 1,8 - 2 tỷ năm trước.
Về độ cao, siêu núi Nuna có thể sánh ngang với dãy Himalayas, dãy núi lớn nhất thế giới hiện nay, nơi có đỉnh núi cao nhất hành tinh là núi Everest. Tuy nhiên, xét về chiều dài, siêu núi Nuna dài hơn 3 lần so với dãy Himalaya (2.400 km), theo Ziyi Zhu, nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Đại học Quốc gia Australia, thành viên nhóm nghiên cứu.
Các nhà khoa học cũng phát hiện niên đại của hai siêu núi trùng khớp với những thay đổi lớn trong lịch sử tiến hóa. Nhiều khả năng chúng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển sự sống trên Trái Đất. Sự hình thành siêu núi gia tăng xói mòn và trầm tích, giúp nhiều vật chất thiết yếu như phospho chảy xuống các đại dương cổ đại của Trái Đất.
"Sự sống sơ khai như tảo và vi khuẩn lam có thể sử dụng carbon dioxide, nước và ánh sáng để sản sinh oxy và đường trong quá trình quang hợp. Những dưỡng chất như phospho đóng vai trò cơ bản trong quá trình này. Nguồn phospho chính trong hệ sinh thái biển đến từ sự bào mòn và xói mòn vật chất trên lục địa. Tốc độ xói mòn phụ thuộc vào sườn núi. Do đó, hoạt động xói mòn nhanh ở các siêu núi làm gia tăng đáng kể nguồn cung cấp dưỡng chất cho đại dương, thúc đẩy hoạt động sinh học", Zhu giải thích.
Lượng carbon tăng lên do hiện tượng xói mòn ở siêu núi cũng kéo theo lượng oxy trên Trái Đất tăng lên. Sự xuất hiện của những tổ chức sinh vật như eukaryote cũng trùng hợp với quá trình hình thành siêu núi Nuna. Eukaryote góp phần dẫn tới sự ra đời của thực vật và động vật trên hành tinh. Quá trình hình thành siêu núi Transgondwanan Supermountain cũng tương ứng với cột mốc quan trọng về tiến hóa của sự sống trên Trái Đất. Đó là sự bùng nổ kỷ Cambri, diễn ra cách đây 530 - 541 triệu năm với nhiều nhóm động vật xuất hiện trong ghi chép hóa thạch vào thời gian này.
An Khang (Theo Newsweek)
- Vẻ đẹp kỳ vĩ của hẻm núi sâu nhất thế giới