Năm 2020, tạp chí Forbes xếp Apple là thương hiệu giá trị nhất thế giới năm thứ 10 liên tiếp. Đây là điều đặc biệt ấn tượng với một công ty chỉ tập trung vào công nghệ, ngành công nghiệp nơi mọi thứ thay đổi với tốc độ ánh sáng. Apple trở thành doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất hành tinh mà không cần cố gắng là nhà sản xuất smartphone lớn nhất. Thay vào đó, họ là hãng được ưa chuộng nhất. Hơn bất kỳ các hãng công nghệ nào khác, Apple luôn đặt trải nghiệm người dùng lên trên mọi thứ khác như hiệu suất, bộ nhớ hay thông số kỹ thuật.
Cam kết hòa trộn công nghệ với nghệ thuật được thiết lập dưới thời nhà sáng lập quá cố Steve Jobs và vẫn tiếp tục đến nay, dưới thời đương kim CEO Tim Cook. Miễn là đội ngũ quản lý tương lai của Apple còn quan tâm đến thương hiệu và mở rộng sang lĩnh vực mới, “táo khuyết” còn tiếp tục thành tích mạnh mẽ của mình.
Trong cuộc phỏng vấn với Fast Company năm 2015, ông Cook từng nói: “Mọi thứ có thể thay đổi, giá trị cốt lõi thì không”.
Những sáng tạo của Apple không quá đột phá, thường áp dụng năng lực thiết kế xuất sắc lên các xu hướng công nghệ tiêu dùng. Chẳng hạn, họ không phát minh ra máy nghe nhạc MP3 hay điện thoại thông minh nhưng vẫn thống trị các sản phẩm này thông qua thiết kế, trải nghiệm và uy tín thương hiệu.
10 năm tiếp theo, Apple của năm 2030 có lẽ vẫn giữ lại truyền thống cải tiến từng chút một phần cứng và phần mềm, đồng thời giới thiệu các sản phẩm mới. Công ty cũng sẽ phát triển một bộ dịch vụ thuê bao cho khách hàng, đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội. Tất nhiên, không thể thiếu một “bom tấn”, không kém iPhone năm 2007.
iPhone và các thiết bị tiêu dùng
Dù thế nào đi nữa, smartphone vẫn sẽ là cánh cổng chính dẫn đến thế giới của chúng ta, dù chúng thay đổi theo hướng nào. Mạng di động 5G mới chỉ bắt đầu và còn một hành trình dài để hoàn thiện và để người dùng tận dụng hết mọi lợi ích của nó. Chuẩn 4G giới thiệu năm 2009 vẫn được dùng tới ngày nay, do đó, không có lý do gì 5G không được trọng dụng vào năm 2030, trước khi 6G xuất hiện.
iPhone là “gà đẻ trứng vàng” của Apple, dù doanh số những năm gần đây tăng giảm không đều. Một số người cho rằng sẽ có một sản phẩm khác không phải iPhone đảm nhận vị trí “siêu thiết bị” mới. Nó có thể là kính thông minh, cho phép mọi người giao tiếp, đọc sách, duyệt Internet qua màn hình thực tế tăng cường thay vì màn hình iPhone.
Tin đồn gợi ý Apple đang nghiên cứu kính thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR) để ra mắt vào đầu năm 2022. Công ty đã thực hiện một số vụ thâu tóm liên quan tới công nghệ này như mua lại NEXTVR giữa tháng 5/2020. NEXTVR giúp mọi người xem thể thao, ca nhạc và các sự kiện giải trí khác bằng headset VR. Hãng cũng ký hợp tác với các giải đấu và kênh truyền hình thể thao lớn.
Ngoài kính thông minh, Apple còn được cho là đang phát triển xe tự lái. Song, dự án Projet Titan của hãng dù đồn đã lâu vẫn chưa cho một tín hiệu rõ ràng nào. Có người tin rằng Apple đã từ bỏ ý tưởng làm xe hơi mà chỉ tập trung vào phần mềm xe tự lái. Dù vậy, công ty không ngừng tuyển dụng các vị trí liên quan đến xe từ các nhà sản xuất ô tô khác. Nhà phân tích Ming Chi Kuo dự đoán Apple Car sẽ có mặt vào khoảng năm 2023-2025 và là dự án táo bạo, tham vọng nhất từ trước tới nay.
Bên cạnh các dự án đầy tính viễn tưởng, Apple vẫn dựa vào nguồn thu truyền thống: iPhone, Apple Watch, AirPods, laptop, desktop… Sau tất cả, máy tính cá nhân vẫn là công cụ chính để mọi người làm việc, học tập, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 đang thay đổi đáng kể cách thế giới vận hành.
Dịch vụ là chìa khóa
Từ khi ra đời năm 2007, iPhone không ngừng thay đổi và trở thành thiết bị điện tử quan trọng nhất thế giới. Tỷ phú Warren Buffett từng nhận xét: “Nó là sản phẩm vô cùng, vô cùng giá trị với những người đang tạo dựng cuộc sống xoay quanh nó. Điều đó đúng với cả trẻ 8 tuổi hay cụ già 80 tuổi”.
Nói cách khác, iPhone không chỉ là điện thoại mà còn là nền tảng phân phối tốt nhất thế giới. Nó giúp Apple kiếm lợi nhuận khủng từ việc bán ứng dụng iOS qua App Store (công ty đang thu hoa hồng 30%/giao dịch). Dường như, “táo khuyết” ngày càng giống với một công ty dịch vụ hơn, ra mắt nhiều dịch vụ mang thương hiệu riêng hơn. Hãng đổ hàng núi tiền và không ít công sức sau một loạt dịch vụ mới toanh trong năm qua như Apple TV+, thẻ tín dụng, Apple News+, Apple Arcade; chưa kể các dịch vụ đã tồn tại từ trước như Apple Care, iCloud, Apple Music, Apple Pay.
Những dịch vụ này chắc chắn còn tăng trưởng hơn nữa trong thập kỷ tới. Trong năm tài khóa 2019, doanh thu từ dịch vụ đạt 46,3 tỷ USD, trong khi năm 2010, mảng chỉ đóng góp 5,2 tỷ USD cho Apple. Trong quý III năm tài khóa 2021, dịch vụ Apple tăng trưởng 33% lên mức cao kỷ lục, 17,5 tỷ USD. Giờ đây, dịch vụ chỉ đứng sau iPhone về mức độ quan trọng đối với công ty. Tỷ suất lợi nhuận của dịch vụ còn cao hơn các sản phẩm phần cứng (65,3% so với 30,3%).
Cũng như nhiều gã khổng lồ công nghệ khác, Apple sẽ nỗ lực tạo ra hệ sinh thái dịch vụ trọn gói cho người dùng trong 10 năm nữa khi kinh doanh phần cứng chậm lại. Có thể, Apple sẽ giới thiệu thêm các dịch vụ mới khác, trong khi tiếp tục nâng cấp dịch vụ có sẵn. Đến năm 2030, công ty của Tim Cook có khả năng gia nhập mọi lĩnh vực giải trí, tài chính hay dịch vụ tiêu dùng. Một hoặc hai vụ thâu tóm sẽ giúp mục tiêu của hãng đạt được nhanh hơn. Dịch vụ đóng góp một nửa doanh thu cho Apple hoàn toàn khả thi.
Khi thiết bị Apple ngày càng quan trọng với cuộc sống của chúng ta, nó mang đến cơ hội khổng lồ nhưng cũng không ít rủi ro. Chẳng hạn, nếu có sai sót trong dịch vụ tài chính, Apple sẽ mất một thời gian dài mới phục hồi, tương tự cú trượt chân của thương hiệu ngân hàng Wells Fargo năm 2016. Khi sản xuất các nội dung phim và truyền hình, liệu Apple có bắt kịp Netflix khi xuất phát chậm hơn?
Đây đều là những vấn đề mà Apple phải đối mặt khi hướng tới tương lai nếu trở thành một công ty thiên về dịch vụ. Tuy nhiên, miễn là công ty gắn bó với nguyên tắc của mình, chấp nhận sai lầm và không ngừng nâng cao sản phẩm, dịch vụ trong khi duy trì lợi thế công nghệ, Apple vẫn sẽ là công ty được nhiều người kỳ vọng trong thập kỷ tới.
Lấy link