Các vệ tinh Starlink gắn trên đỉnh tên lửa Falcon 9 cất cánh từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA trên bờ biển phía đông Florida vào lúc 3h13 chiều mùng 3/2 theo giờ địa phương, tức 3h13 rạng sáng nay theo giờ Hà Nội.
Khoảng 9 phút sau khi phóng, tầng đẩy đầu tiên có mã hiệu B1061 đã tách ra và hạ cánh nhẹ nhàng xuống sà lan không người lái "A Shortfall of Gravitas" đậu trên Đại Tây Dương, cách điểm phóng vài trăm dặm về phía đông.
Đây là chuyến bay và lần thu hồi thành công thứ 6 của B1061. Trước đó, tầng đẩy này đã được sử dụng trong hai sứ mệnh chở phi hành đoàn Crew-1 và Crew-2 tới Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) cho NASA, một sứ mệnh chở hàng thương mại CRS-23 cũng tới ISS cho NASA, cùng hai vụ phóng vệ tinh SXM-8 cho công ty phát thanh truyền hình Sirius XM Holdings và đài quan sát không gian XPE cho NASA và Cơ quan Vũ trụ Italy (ASI).
Với lô Starlink mới được bổ sung, SpaceX đã nâng tổng số vệ tinh Internet của họ trên quỹ đạo lên khoảng 2.050 chiếc, trong đó có hơn 1.800 vệ tinh đang hoạt động.
SpaceX đang trải qua "một tuần bận rộn" với ba nhiệm vụ không gian chỉ trong 4 ngày. Trước sứ mệnh Starlink hôm 3/2, hai tên lửa Falcon 9 khác đã phóng thành công vệ tinh quan sát Trái Đất CGS-2 cho Cơ quan Vũ trụ Italy (ASI) và vệ tinh do thám NROL-97 cho Văn phòng Trinh sát Quốc gia Mỹ lần lượt vào ngày 31/1 và 2/2.
Trong một cuộc họp vào tháng trước, SpaceX tiết lộ kế hoạch thực hiện tới 52 sứ mệnh không gian vào năm 2022, vượt xa kỷ lục 31 vụ phóng trong một năm dương lịch do chính SpaceX xác lập vào năm ngoái. Tuy nhiên, lịch trình của các chuyến bay có nhiều khả năng thay đổi, do đó không có gì đảm bảo SpaceX có thể đạt được con số tham vọng trên.
Đoàn Dương (Theo Space/Verge)
- SpaceX giành hợp đồng chở hàng trị giá 102 triệu đô
- SpaceX cán mốc 2.000 vệ tinh Internet