Đại dịch COVID-19 đang khiến chúng ta căng thẳng nhiều hơn và phải ngồi một chỗ nhiều hơn. Hệ quả là: Hai năm qua hẳn đã có nhiều hơn những tiếng "lục khục" khắp hành tinh.
Mỗi khi có ai đó đứng dậy, vặn người thư giãn hoặc bẻ các khớp tay của họ, thứ âm thanh quyến rũ và đầy thỏa mãn đó lại vang lên: Lục khục, lục khục. Không ai là không thích chúng, bạn có thể dễ dàng tìm thấy với hàng triệu cho tới chục triệu lượt xem về chủ đề này.

Nhưng trong khi bẻ khớp là một hành động rất quen thuộc với tất cả chúng ta, bạn đã bao giờ tìm hiểu sâu về nó. Đại loại như tại sao lại có tiếng lục khục vang lên trong khớp của bạn? Điều gì đã xảy ra khi bạn bẻ căng khớp của mình? Nó có gây hại gì không?
Và nếu tiếng lục khục đã tồn tại một cách bất tận như vậy, nó hẳn phải là một sản phẩm của tiến hóa? Hãy cùng lý giải tất cả những điều bí ẩn đó trong bài viết dưới đây.
1. Tại sao chúng ta bẻ khớp?
Trước khi trả lời câu hỏi này, điều quan trọng chúng ta cần thống nhất là bài viết chỉ nói về hành vi bẻ khớp mà chúng ta tự làm với bản thân mình, một dạng "self-manipulatuon" hay "tự sướng".
Nếu bạn tới một phòng khám vật lý trị liệu để bác sĩ hay một chuyên gia nắn khớp bẻ xương cho bạn, mặc dù nó cũng phát ra những tiếng lục khục nhưng tác động của việc trị liệu sẽ rất khác so với hành vi tự bẻ khớp ở nhà.
Vì vậy, trở lại với câu hỏi, tại sao chúng ta thích tự bẻ khớp? Thường thì mọi người nói rằng điều đó khiến họ cảm thấy thư giãn hơn, giải tỏa sự căng cứng ở các khớp và cuối cùng là cảm thấy thỏa mãn.
Không chỉ con người, các loài động vật cũng thường thực hiện một hành vi tương tự như bẻ khớp sau thời gian dài ở trong tư thế không hoạt động.
Hành vi tương tự bẻ khớp ở nhện Cyclosa argenteoalba
Các nhà khoa học gọi nó là "pandiculate" hay sự kéo căng không tự chủ các mô mềm. Họ đã quan sát thấy chó, mèo, voi, cừu và cả nhện thực hiện hành vi này. Ví dụ như trong video trên, bạn có thể thấy một con nhện đang thư giãn các khớp chân của nó.
Tóm lại chúng ta có thể hiểu bẻ khớp là một hành vi mang tính bản năng. Các nghiên cứu cho thấy bằng hành vi kéo giãn, các loài động vật bao gồm cả con người có thể khôi phục lại trạng thái cân bằng và các chức năng của khớp.
2. Tiếng lục khục phát ra từ đâu?
Để giải thích điều này, chúng ta phải biết giữa các khớp xương được nối với nhau có một khoảng trống chứa đầy chất lỏng được gọi là chất hoạt dịch. Chất hoạt dịch giúp bôi trơn các khớp, giảm ma sát giữa chúng mỗi khi chúng ta cử động.
Nhưng giống như tất cả các loại chất lỏng trên đời, trong chất hoạt dịch không thể không chứa một lượng không khí hòa tan (bao gồm oxy, nitơ và CO2). Khi bạn bẻ khục hoặc xoay khớp, lực mà bạn tác động sẽ làm giãn các khoảng trống chứa chất hoạt dịch.
Và khi không gian được mở rộng, nó sẽ tạo ra một lực hút giống như lực hút từ chân không. Các bong bóng khí trong chất hoạt dịch sẽ xuất hiện, chúng phồng lên và chúng nổ "lục khục", đó chính là tiếng bẻ khớp mà bạn nghe thấy.

Tuy nhiên, cũng có một giả thuyết khác giải thích rằng, thực ra tiếng lục khục là do các bong bóng khí hình thành chứ không phải phát nổ. Có nghĩa là khi bạn kéo giãn khớp xương, khoảng trống lớn hơn khiến không khí chiếm chỗ nhiều hơn và hình thành bong bóng.
Khi bóng bóng hình thành, chúng cũng có thể phát ra tiếng lục khục. Các nhà khoa học vẫn tranh cãi xem giả thuyết nào là đúng. Họ đã sử dụng cả máy siêu âm để theo dõi những bong bóng trong chất hoạt dịch của khớp.
Câu trả lời hiện nghiêng về phía giả thuyết thứ hai hơn, bởi ảnh siêu âm đã phát hiện tiếng lục khục phát ra ngay sau khi các bong bóng khí hình thành trong khớp chứ không phải lúc chúng biến mất:
Hình ảnh siêu âm cho thấy bong bóng khí hình thành trong khớp khi bạn bẻ
Một điều thú vị là khi bạn đã bẻ khớp thành công, bạn phải đợi 20 phút trước khi bẻ lại khớp đó lần thứ hai. Những tiếng lục khục sẽ không xuất hiện trong khoảng thời gian đó, dù bạn có làm gì đi chăng nữa. Bởi 20 phút cũng là khoảng thời gian để những bong bóng khí hòa tan lại vào chất hoạt dịch của bạn.
3. Bẻ khớp nhiều có gây hại gì không?
Có một lời đồn được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có thể mẹ bạn cũng từng dặn bạn rằng đừng bẻ khớp tay nhiều vì nó có thể gây viêm khớp. Nhưng một loạt các nghiên cứu được thực hiện những năm gần đây cho thấy việc bẻ khớp ngón tay không làm tăng tỷ lệ mắc bệnh viêm khớp.
Donald Unger, một bác sĩ người Mỹ thậm chí đã kiên trì làm thí nghiệm trên bản thân mình suốt 60 năm. Ông bẻ khớp tay trái của mình mỗi ngày và để nguyên bàn tay phải không bao giờ bẻ nó trong suốt 6 thập kỷ.
Kết quả cho thấy việc bẻ khớp liên tục như vậy không gây viêm khớp và cũng không gây hại gì cho bàn tay trái của Unger so với tay phải. Nghiên cứu thú vị này thậm chí đã mang về cho Unger giả IgNobel năm 2009.

Donald Unger, người đã dành 60 năm bẻ khớp tay để chứng minh nó vô hại.
Sau đó đúng một năm, một nghiên cứu năm 2010 đã thống kê thói quen bẻ khớp của 215 người để thấy hành vi này không phải là một yếu tố nguy cơ phát triển bệnh viêm khớp.
Thậm chí, đáng ngạc nhiên hơn là những người không bẻ khớp lại có tỷ lệ viêm khớp cao hơn những người có thói quen này. Trước đó một nghiên cứu thực hiện trên những bệnh nhân trong nhà dưỡng lão cũng không tìm thấy mối liên quan giữa bẻ khớp và bệnh viêm khớp.
Mặc dù vậy, có một nghiên cứu khá đáng chú ý vào năm 1990. Nó được thực hiện trên 300 người và đi đến một kết luận rằng bẻ khớp tay thường xuyên và trong thời gian dài có thể dẫn tới tình trạng sưng và giảm sức cầm nắm.
Thế nhưng, từ đó tới nay chưa có nghiên cứu mới nào xác nhận lại kết quả này. Chỉ có một vài báo cáo về chấn thương do bẻ khớp ngón tay quá đà gây ra. Nhưng những trường hợp này thường rất nhẹ và không xảy ra quá thường xuyên nên các nhà khoa học không tính đến chúng.
Nói tóm lại, hành vi bẻ khớp gần như là an toàn và không để lại tác dụng phụ nào quá đáng kể.
4. Bẻ khớp có phải một sản phẩm của tiến hóa?
Có lẽ đây sẽ là câu hỏi thú vị nhất, tại sao các khớp của chúng ta lại phát triển để phát ra được tiếng kêu. Jerome Fryer, một nhà nghiên cứu người Canada, đã nêu ra một ý tưởng thú vị cho rằng cấu tạo chất hoạt dịch là một sản phẩm của tiến hóa.
Để chứng minh, Fryer đã tạo ra các khớp xương mô phỏng lại khớp của con người và các loài động vật. Ông nhận thấy nếu khớp chỉ chứa nước thay cho chất hoạt dịch, khoảng trống giữa chúng sẽ rất dễ bị mở rộng, thậm chí tách rời.
Các bong bóng khi đó sẽ dễ hình thành hơn rất nhiều, nhưng chúng là bong bóng "xịt", sẽ không có tiếng lục khục nào phát ra cả.
Mô phỏng bẻ khớp trong chất hoạt dịch của Jerome Fryer
Mọi chuyện thay đổi khi nước trong chất hoạt dịch được xử lý để trở nên đậm đặc hơn, nghĩa là hòa tan ít không khí và chỉ chứa các bong bóng cực nhỏ, một cú bẻ sau đó đã phát ra tiếng lục khục khi bong bóng hình thành.
Như vậy, chất hoạt dịch đã phát triển để trở nên cô đặc, giúp giữ cho các khớp xương liên kết với nhau tốt hơn. Chúng ta sẽ cần phải tác động một lực mạnh hơn nếu muốn chúng giãn ra và các lực mạnh này mới tạo ra tiếng lục khục.
Chất hoạt dịch đặc không chỉ hỗ trợ sự ổn định của khớp, mà nó còn cung cấp cho khớp sự bảo vệ khỏi các chấn thương.
5. Đừng nhầm tiếng bẻ khớp với những âm thanh lục khục khác
Như chúng ta đã nói, những tiếng lục khục khi bẻ khớp đến từ sự hình thành hoặc vỡ của bong bóng trong chất hoạt dịch. Nhưng đôi khi nó có thể bị nhầm lẫn với một số âm thanh khác cũng phát ra từ cơ thể bạn, gần các khớp xương.
Thứ nhất, đó có thể là tiếng bật của dây chằng. Dây chằng hoạt động như các dải cao su trải dài giữa các cơ và xương để kết nối chúng lại. Khi bạn cử động khớp, dây chằng cũng dịch chuyển và thỉnh thoảng nó có thể tạo ra âm thanh lục khục nhưng tiếng "lụp bụp" này thường trầm hơn tiếng bẻ khớp.
Bạn có thể dễ dàng nghe thấy tiếng dây chằng khi xoay cổ chân, lúc đứng lên hoặc ngồi xuống hay khi leo cầu thang bộ.
Đừng nhầm tiếng bẻ khớp với âm thanh này
Âm thanh dễ nhầm lẫn thứ hai là một tiếng lục khục có vẻ rít hơn là nổ giòn hơn bẻ khớp. Thực ra, nó có thể nghe như tiếng "răng rắc", đó là âm thanh khi xương ma sát vào sụn. Tiếng ma sát này thường được nghe thấy nhất ở đầu gối, nhưng chúng cũng vô hại.
Nói tóm lại, bạn không cần phải lo lắng về những âm thanh "lục khục" hay "răng rắc" nào phát ra từ các khớp xương của mình. Trừ khi các tiếng động này đi kèm cảm giác đau, bạn nên đến bệnh viện.
Còn nếu không, đó thực ra là cách mà cơ thể bạn hoạt động, tất cả đều hết sức bình thường. Bẻ khớp là một hành vi mang tính bản năng và thậm chí còn có trong hành trang đã giúp bạn tiến hóa.
Tổng hợp
https://genk.vn/tai-sao-be-khop-lai-phat-ra-tieng-luc-khuc-lam-vay-nhieu-co-hai-gi-khong-20220131064218812.chn Lấy link