Tương tự vòng tròn đồng tâm của cây cối có thể cung cấp thông tin chi tiết về khí hậu Trái Đất trong quá khứ, họa tiết bên trong miệng hố hé lộ lịch sử của hành tinh đỏ, theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA). Bức ảnh được chụp vào năm ngoái bằng camera trên tàu ExoMars Trace Gas Orbiter, tàu quay quanh quỹ đạo do ESA và cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos hợp tác phóng, tới sao Hỏa vào năm 2016 và bắt đầu nhiệm vụ năm 2018.
Miệng hố trong ảnh nằm ở khu vực có tên Acidalia Planitia, trên sao Hỏa, vùng đồng bằng mênh mông ở phía bắc hành tinh. Các nhà khoa học đang tranh cãi liệu các đồng bằng ở phương bắc có từng tồn tại một đại dương rộng lớn có thể bị băng bao phủ hay không.
Theo ESA, bên trong miệng hố lưu giữ nhiều trầm tích có thể chứa băng. Những trầm tích này hình thành vào thời kỳ sơ khai trong lịch sử sao Hỏa khi trục quay nằm nghiêng của hành tinh cho phép trầm tích nước băng xuất hiện ở vĩ độ thấp hơn ngày nay. Tương tự Trái Đất, trục quay của sao Hỏa dẫn tới sự ra đời của các mùa, nhưng thay đổi đáng kể qua thời gian dài.
Vết nứt hình bán nguyệt và đa giác ở miệng hố nhiều khả năng là kết quả của những thay đổi theo mùa trong nhiệt độ khiến vật chất chứa nhiều băng mở rộng và co lại, hình thành nứt vỡ.
Không chỉ chụp ảnh hành tinh đỏ, tàu quay quanh quỹ đạo còn phân loại khí trong khí quyển sao Hỏa và lập bản đồ bề mặt khu vực chứa nhiều nước. Điều này giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn lịch sử của nước trên sao Hỏa và liệu sự sống có khả năng phát triển hay không. Phần thứ hai của nhiệm vụ sẽ diễn ra vào năm 2023, khi một tàu tự hành mới khám phá khu vực sao Hỏa có khả năng từng là đại dương cổ đại và tìm kiếm dấu hiệu của sự sống dưới lòng đất.
An Khang (Theo CNN)
- Phát hiện lượng lớn nước dưới bề mặt sao Hỏa