Con gấu cái 13 tuổi chưa đặt tên là một trong 15 con gấu nâu mà các nhà nghiên cứu theo dõi ở miền bắc Thụy Điển để tìm hiểu loài gấu sử dụng cảnh quan xung quanh chúng như thế nào. Họ phát hiện những con gấu thay đổi môi trường sống để nhắm vào tuần lộc và nai sừng tấm non vào mùa xuân. Diện tích chính xác mà gấu chiếm giữ phụ thuộc vào số con non mà chúng săn. Một số cá thể như con gấu cái không tên giết nhiều mồi.
Theo Antonio Uzal Fernandez, giảng viên bảo tồn động vật hoang dã ở Đại học Nottingham Trent ở Anh, đồng tác giả nghiên cứu, cho rằng nguyên nhân một số con gấu tấn công săn mồi nhiều hơn đến từ nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như hành vi bản năng liên quan tới tính cách.
Gấu nâu (Ursus arctos) là loài gấu phân bố phổ biến nhất trên Trái Đất. Chúng sinh sống ở 45 quốc gia tại Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á, theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế. Nghiên cứu mới công bố hôm 17/12/2021 trên tạp chí Diversity, nằm trong dự án dài hạn nghiên cứu đời sống của gấu nâu ở Na Uy và Thụy Điển.
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học theo dõi những con gấu bằng vòng cổ phát tín hiệu định vị vệ tinh từ năm 2010 đến năm 2012 và ghi hình kỹ năng của chúng. Khi thời kỳ tuần lộc sinh con bắt đầu, gấu nâu ở Thụy Điển di chuyển lên địa hình gồ ghề ở độ cao lớn mà tuần lộc mẹ ưa chuộng, sau đó tiến vào môi trường sống của nai sừng tấm non như gần rừng cây rụng lá ưa chuộng, theo Đại học Nottingham Trent. Việc di chuyển cho phép chúng săn con non dễ tấn công.
Nhóm nghiên cứu lập bản đồ môi trường sống mà những con gấu khác nhau sử dụng và so sánh tốc độ giết mồi của mỗi cá thể. Con gấu được xếp vào nhóm tích cực săn mồi nếu chúng giết nhiều hơn tốc độ trung bình của cả loài là 0,4 con mồi/ngày và ít săn mồi nếu có tốc độ giết mồi thấp hơn mức đó. Họ phát hiện một số điểm khác biệt giữa hai nhóm. Ví dụ, gấu tích cực săn mồi ưa vùng rừng có nhiều tuần lộc trong khi gấu ít săn mồi chọn khu vực trống trải.
8/15 con gấu trong nghiên cứu rất tích cực săn mồi, thường giết hơn 20 con tuần lộc non và 5 con nai sừng tấm non trong thời kỳ sinh sản. Gấu nâu kém thành công khi săn con mồi trưởng thành lớn, vì vậy chúng tập trung vào săn con non cho tới tháng 7. Sau thời gian đó, kỳ sinh sản kết thúc và gấu nâu dựa vào quả mọng để tồn tại trước khi ngủ đông.
Phát hiện mới có thể giúp các nhà nghiên cứu phát triển dự báo về những điểm nóng tương tác giữa gấu và tuần lộc, giúp giảm bớt xung đột. Điểm nóng cũng giúp người chăn nuôi xác định nơi gấu nâu nhiều khả năng tấn công trong mùa sinh sản và tiến hành biện pháp đề phòng để giảm thiểu thiệt hại.
An Khang (Theo Live Science)
- Gấu ngủ đông bên dưới nhà dân