Theo báo cáo vào hôm 26/1 của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), các khám phá được thực hiện trong năm 2020 nhưng đến nay mới được công bố do ảnh hưởng của đại dịch. Trong tổng số 224 loài mới được phát hiện, có 155 loài thực vật, 35 loài bò sát, 17 loài lưỡng cư, 16 loài cá và một loài động vật có vú.
Chúng được tìm thấy trên khắp tiểu vùng sông Mekong mở rộng, bao gồm Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Với cảnh quan đa dạng từ rừng rậm, đến núi và các thành tạo đá vôi, khu vực này là một điểm nóng đa dạng sinh học quan trọng của thế giới.
Khám phá duy nhất về động vật có vú - voọc Popa (Trachypithecus popa) - được bẫy camera ghi lại núi trên ngọn núi lửa Popa đã ngừng hoạt động ở miền trung Myanmar. Với chỉ 200 - 250 cá thể còn sót lại trong tự nhiên, đây là một trong những loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới, được phân loại "cực kỳ nguy cấp" trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế.
Tại Việt Nam, các nhà sinh vật học đã tìm thấy loài ếch sừng Kỳ Quan San (Megophrys frigida) ở độ cao hơn 2.000 m trên đỉnh núi cùng tên. Chúng xuất hiện tại một con suối đầy rêu và trông nổi bật với màu sắc sặc sỡ. Loài lưỡng cư này cũng có nguy cơ tuyệt chủng cao do mất môi trường sống.
Các phát hiện ấn tượng khác có thể kể đến như loài sa giông sừng quỷ (Tylototriton phukhaensis) ở Thái Lan, loài tre mọng nước đầu tiên được ghi nhận trên thế giới (Cnemaspis selenolagus) ở Lào, hay loài ếch đầu to (Leptobrachium lunatum) ở Campuchia và Việt Nam.
Theo WWF, đã có hơn 3.000 loài mới được khám phá tại tiểu vùng sông Mekong mở rộng kể từ năm 1997. Các sinh vật này thường là những sản phẩm tuyệt đẹp của hàng triệu năm tiến hóa, nhưng đang bị đe dọa do biến đổi khí hậu và hoạt động của con người.
"Chúng ta cần quan tâm và hành động khẩn cấp để bảo vệ hệ sinh thái mỏng manh này", K. Yoganand, trưởng nhóm động vật hoang dã khu vực của WWF, nhấn mạnh.
Đoàn Dương (Theo AFP/WWF)
- Siêu đập thủy điện đe dọa cá tra dầu sông Mekong
- Phát hiện loài hoa 'nhạy cảm' nhất thế giới