Ngày 23/1 là ngày buồn của giới nghiên cứu vật lý trong nước và thế giới khi hay tin GS.VS Nguyễn Văn Hiệu trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 84.
Là học trò, GS. TS Nguyễn Toàn Thắng, Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết ông "chưa hết sốc". "Đến giờ tâm trạng tôi vẫn khá rối bời, bởi GS Hiệu là người thầy, người anh rất gần gũi với tôi", GS Thắng nói. Ông là một trong số những người được GS Nguyễn Văn Hiệu trực tiếp hướng dẫn luận án phó tiến sĩ năm 1982.
Ông Thắng cho biết, sự nghiệp nghiên cứu khoa học của GS Hiệu chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu từ những năm 1960 đến năm 1969 khi ông được cử sang công tác ở Viện Liên hiệp nghiên cứu Hạt nhân Dubna, Liên Xô (cũ). Khi đó ông Hiệu 22 tuổi. Chỉ sau một năm ở Dubna, ông đã công bố 7 công trình trên các tạp chí uy tín nhất của Liên Xô (cũ). Trong đó 3 công trình ông hoàn thành một mình, 4 công trình là đồng tác giả. Hơn 8 năm ở Dubna, ông là tác giả và đồng tác giả của 64 bài báo khoa học và 8 báo cáo tại các hội nghị khoa học quốc tế.
Các công trình khoa học của GS Hiệu giai đoạn này theo ba hướng nghiên cứu chính. Hướng nghiên cứu thứ nhất là lý thuyết đối xứng cao của các hạt sơ cấp (28 công bố khoa học). Ông trở thành một trong những người đầu tiên đề xướng ra sơ đồ đối xứng tương đối tính của các hạt cơ bản trên cơ sở lý thuyết biểu diễn của nhóm SL(6,C). Nhiều nhà khoa học trên thế giới sau đó đã đi theo hướng nghiên cứu này.
Hướng nghiên cứu thứ hai là về tương tác của các hạt sơ cấp ở năng lượng cao (22 công bố khoa học), là một trong ba nhà khoa học mở ra hướng nghiên cứu mới về các quá trình inclusive. Một thời gian sau, F.Feynman, người được giải thưởng Nobel về vật lý, một cách độc lập, cũng đã đề ra những ý tưởng tương tự.
Khi nghiên cứu quá trình này, GS Hiệu cùng hai nhà khoa học Liên Xô (cũ) đã tiên đoán ra quy luật mới về tính bất biến kích thước của tiết diện tán xạ của các hạt ở năng lượng cao. Quy luật mới này sau đó được khẳng định bằng thực nghiệm. Uỷ ban nhà nước Liên Xô (cũ) đã cấp bằng phát minh cho tiên đoán này vào tháng 12/1981.
Hướng thứ ba là các nghiên cứu về các vấn đề trong lý thuyết trường lượng tử và hạt cơ bản (22 bài báo khoa học). Những kết quả về hướng này rất đa dạng, từ các tính chất tiệm cận của các biên độ tán xạ tới kích thước các hạt cơ bản, từ nguyên lý chung của lý thuyết trường lượng tử tới cấu trúc toán học trong lý thuyết các hạt cơ bản...
Giai đoạn thứ hai bắt đầu khi GS Hiệu trở về nước và được giao nhiệm vụ xây dựng Viện Vật lý. Ông vận dụng lý thuyết trường lượng tử vào nghiên cứu quang học bán dẫn. Sau đó ông hướng các nghiên cứu thực nghiệm về vật lý và công nghệ tạo vật liệu và linh kiện quang điện tử. Những nghiên cứu này góp phần phát triển chuyên ngành vật lý bán dẫn nói riêng, vật lý và công nghệ vật liệu nói chung.
GS Hiệu soạn một loạt giáo trình để giảng dạy về Sự đối xứng của các trạng thái điện tử trong chất rắn, phương pháp tính vùng năng lượng, bơm quang học, phương pháp lý thuyết trường lượng tử trong vật lý chất rắn (cuốn sách này đã được xuất bản lại bằng tiếng Nga tại Liên Xô năm 1984).
Ông Thắng nhớ lại, có lần hỏi "vì sao có thể hoàn thành hàng chục công trình trong một năm sau 6-7 năm tốt nghiệp phổ thông", GS Hiệu lấy ra cuốn sách Lý thuyết trường lượng tử của Bogoliubov và Shirkov xuất bản bằng tiếng Nga, dày cộm, nhàu nát. Ở đó chi chít những công thức tính toán bên lề và rất nhiều tờ giấy đính kèm ghi chi tiết các công thức. "Thầy bảo "mình đọc và tính toán lại tất cả công thức trong cuốn sách này trước khi sang Dubna để tự trang bị các công cụ cần thiết. Vậy đấy, mình không có bí quyết gì ngoài làm việc, làm việc và làm việc", GS Thắng kể.
GS Thắng vẫn chưa quên, khi GS Hiệu bước sang tuổi 79, đó là năm 2017. Lần đó, tại hội nghị quốc tế về các vật liệu nano, tổ chức ở Phan Thiết, GS Hiệu vẫn cùng với học trò báo cáo khoa học về "phương pháp tích phân phiếm hàm nghiên cứu graphene". Dù tuổi cao, giáo sư bảo một học trò, đồng tác giả của báo cáo trình bày. Sau đó, ông lên bục giảng hào hứng giải thích khiến cả hội trường sôi động. Hội nghị kết thúc, GS Hiệu tâm sự: "Đây có lẽ là công trình cuối cùng mình làm chung với các cậu. Kỷ niệm hơn 40 năm chúng mình làm việc với nhau". Những học trò khi ấy ai cũng rưng rưng, ông Thắng nhớ lại.
Dưới sự dìu dắt, hướng dẫn của của ông, một đội ngũ nhà khoa học được hình thành, theo các hướng nghiên cứu về lý thuyết quang học bán dẫn, lý thuyết siêu dẫn nhiệt độ cao, lý thuyết vật liệu graphene...
Qua tay GS Hiệu, nhiều học trò giờ đã trở thành nhà khoa học xuất sắc, như cố GS Nguyễn Ái Việt, người được công nhận là Giáo sư trẻ nhất năm 1991, PGS Nguyễn Bá Ân, nhà khoa học nổi tiếng trong lĩnh vực thông tin lượng tử, một trong hai người đầu tiên được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu.
Ông ra đi, để lại thành tựu là hơn 200 công trình nghiên cứu đã công bố. Ông là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho ngành khoa học và công nghệ vũ trụ Việt Nam thông qua chương trình intercosmos... Ông đã được trao tặng nhiều giải thưởng về khoa học có uy tín ở trong nước cũng như trên thế giới (Giải thưởng Lê Nin về Khoa học và Kỹ thuật năm 1986, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về khoa học và kỹ thuật năm 1996...), được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương độc lập hạng nhất (năm 2009), danh hiệu Nhà giáo nhân dân (năm 2010).
Lễ tang của GS.VS Nguyễn Văn Hiệu tổ chức từ 13h45 phút đến 14h45 phút, thứ sáu, ngày 28/1/2022 (tức 26 tháng Chạp năm Tân Sửu), tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Lễ truy điệu từ 14h45 phút đến 15h ngày 28/1. An táng tại nghĩa trang Mai Dịch, quận Cầu Giấy cùng ngày.
Như Quỳnh
- GS Trần Thanh Vân: 'Anh Hiệu ra đi, tôi như kẻ mồ côi'
- GS.VS Nguyễn Văn Hiệu trong ký ức học trò
- GS.VS Nguyễn Văn Hiệu trong hồi ức em trai
- GS.VS Nguyễn Văn Hiệu qua đời