Lần đầu tiên trên thế giới, một tàu chở người đã xuống tới đáy rãnh Atacama, khu vực sâu nhất Đông Thái Bình Dương. Ngày 21/1, nhà thám hiểm đại dương Victor Vescovo và nhà hải dương học Osvaldo Ulloa đến điểm sâu nhất của rãnh mang tên Richards Deep, ở độ sâu 8.069 m dưới mực nước biển. Họ sử dụng tàu ngầm nhỏ Limiting Factor với khả năng chịu áp suất cực lớn.
Rãnh Atacama, còn gọi là rãnh Peru-Chile, hình thành do mảng kiến tạo đại dương Nazca trượt xuống dưới mảng kiến tạo lục địa Nam Mỹ. Rãnh này dài 5.900 km, chạy dọc theo một vùng rộng lớn ở phía tây lục địa Nam Mỹ.
Chuyến tàu tới đáy rãnh Atacama không chỉ để lập kỷ lục mà còn có những mục tiêu khoa học quan trọng. Đây là lý do tại sao tiến sĩ Ulloa, giám đốc Viện Hải dương học Thiên niên kỷ (IMO), tham gia nhiệm vụ. IMO đang nghiên cứu đáy và các vực sâu của rãnh Atacama để có thể lắp đặt các cảm biến cho dự án IDOOS trong tương lai.
"Cùng tiến sĩ Ulloa thực hiện chuyến tàu chở người đầu tiên xuống đáy rãnh Atacama là một vinh dự lớn. Việc lướt dưới đáy biển trong ba tiếng và trực tiếp xem xét những điểm thú vị với một người đã nghiên cứu khu vực này nhiều năm thật tuyệt vời", Vescovo, nhà sáng lập công ty Caladan Oceanic, chia sẻ.
"Đây là một ngày tuyệt vời với khoa học Chile. Nhờ Victor Vescovo và Caladan Oceanic, chúng tôi có thể trực tiếp chứng kiến sự phong phú về địa chất và sinh học của rãnh Atacama. Thám hiểm cùng Victor là một đặc ân to lớn và trải nghiệm bổ ích. Chúng tôi rất cảm ơn ông ấy, cũng như toàn bộ đội ngũ của tàu ngầm Limiting Factor và tàu hỗ trợ Pressure Drop", tiến sĩ Ulloa nói.
Theo kế hoạch, thám hiểm Richards Deep là nhiệm vụ đầu tiên trong số những chuyến lặn ở Đông Thái Bình Dương và trải rộng đến rãnh Trung Mỹ, ngoài khơi bờ biển phía tây Mexico. Trong chuyến lặn vừa qua, đoàn thám hiểm cũng khám phá điểm sâu thứ hai của rãnh Atacama - 7.727 m dưới mực nước biển - cách Richards Deep 142 km về phía bắc. Vescovo và tiến sĩ Ruben Escripano sau đó đã ghé thăm địa điểm này ngày 23/1.
Tàu chở người đầu tiên xuống đáy rãnh Atacama sâu 8.000 m
Ở độ sâu đáng kinh ngạc dưới rãnh Atacama, các nhà thám hiểm vẫn bắt gặp nhiều loài vật sinh sôi. Thước phim họ ghi lại cho thấy nhiều con hải sâm dưới đáy biển, nơi chưa từng có ánh sáng chiếu tới trước khi tàu ngầm ghé thăm.
"Chúng tôi đã cùng nhau quan sát một số bằng chứng đáng kinh ngạc về những thứ có vẻ là ví dụ của quá trình hóa tổng hợp ở rãnh đại dương sâu thẳm. Tại đây, chúng tôi thấy những cấu trúc vi khuẩn dài vươn ra từ bề mặt các khối đá chưa từng đón ánh sáng Mặt Trời, lấy năng lượng từ khoáng chất và khí thấm ra từ đá, xung quanh là môi trường nước biển lạnh buốt. Thật phi thường", Vescovo nhận xét.
Thu Thảo (Theo IFL Science)
- Những sinh vật kỳ dị dưới rãnh đại dương sâu nhất
- Nhà thám hiểm Mỹ lặn xuống rãnh đại dương sâu nhất thế giới