Mảnh vỡ nguy hiểm từ vệ tinh Nga bay cách vệ tinh Trung Quốc chỉ 14,5 cm, theo Trung tâm ứng dụng và theo dõi rác vũ trụ của Cục Không gian Quốc gia Trung Quốc (CNSA). Nếu va chạm xảy ra, tai nạn có thể tạo ra "sóng xung kích siêu thanh", nhà nghiên cứu Jonathan McDowell ở Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian, cho biết. Theo McDowell, mảnh vỡ bay đủ gần để có thể gây ra va chạm.
"Một mảnh vỡ đủ lớn để theo dõi như thế này, va chạm ở tốc độ 19,3 km/h, sóng xung kích sẽ khiến vệ tinh vỡ thành nhiều mảnh", McDowell nói.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu nhận định khoảng cách giữa hai vật thể mà Trung Quốc nêu ra khá "vô lý bởi không có cách nào để biết chính xác". Dựa trên thông tin theo dõi không gian sẵn có ở Mỹ, McDowell xác định mảnh vỡ bay cách vệ tinh từ hơn 100 m đến vài centimet.
Nga phá hủy một trong những vệ tinh của họ vào tháng 11 năm ngoái trong thử nghiệm phá hủy bằng tên lửa. Tại thời điểm đó, Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ cho biết thử nghiệm tạo ra hơn 1.500 mảnh vỡ lớn có thể theo dõi trên quỹ đạo và hàng trăm nghìn mảnh vỡ cỡ nhỏ hơn.
Các mảnh vỡ nhỏ rất khó theo dõi và có rất nhiều mảnh như vậy ngoài không gian. Khoảng 900.000 vật thể rộng 1 - 10 cm đang bay quanh Trái Đất, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) ước tính. Ngoài ra, trên quỹ đạo cũng có tới 128 triệu mảnh rác với đường kính từ 1 mm đến 1 cm. Các vật thể trên quỹ đạo di chuyển cực nhanh, ví dụ, vận tốc ở độ cao của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) là khoảng 27.600 km/h. Vì vậy, những mảnh vụn nhỏ cũng có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho vệ tinh.
An Khang (Theo CNN)
- Vệ tinh Trung Quốc va chạm với mảnh tên lửa Nga