Biết tin GS.VS Nguyễn Văn Hiệu qua đời, một trong số những học trò của ông - Đặng Vũ Minh giờ đã là giáo sư, tiến sĩ khoa học, nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đau xót. Ký ức về những ngày đầu khi còn là cán bộ trẻ của Viện ùa về trong ông.
Ông kể, thời điểm năm 1969, Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chưa có trụ sở làm việc. Những cán bộ công tác tại đây được phân công khu nhà đang xây dở. Lúc đó thầy Nguyễn Văn Hiệu đã là một giáo sư từ Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna (Liên Xô - cũ) trở về, xắn tay cùng anh em lao động. Ông trực tiếp kéo dây cáp, nối điện cho phòng làm việc. Lúc đó nhiều phòng chỉ là những căn nhà tranh chứ chưa có nhà xây như bây giờ. "Rất cảm động và đáng quý", GS Minh nói.
GS Nguyễn Văn Hiệu là Viện trưởng Viện Vật lý đầu tiên, đã cùng những người trí thức đi mở đường cho ngành khoa học cơ bản của Việt Nam. Năm 1969, Đặng Vũ Minh là một trong số cán bộ của Viện Vật lý được GS Nguyễn Văn Hiệu khi đó là Viện trưởng cử đi học nghiên cứu sinh, làm luận án tiến sĩ, rồi tiến sĩ khoa học.
"Sự trưởng thành trong khoa học của tôi gắn nhiều với sự quan tâm, tạo điều kiện, khích lệ từ GS Nguyễn Văn Hiệu", GS Đặng Vũ Minh nói và cho biết, sau đó nhiều cán bộ được cử sang Viện nghiên cứu hạt nhân ở Dubna học tập và nghiên cứu. GS Hiệu cũng thỏa thuận với Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (cũ) để cử các cán bộ Việt Nam sang học tập, bảo vệ luận án phó tiến sĩ và tiến sĩ (sau này đổi thành tiến sĩ và tiến sĩ khoa học) tại đây.
"Số này rất đông", GS Minh nói và cho biết đây là đóng góp quan trọng vì tầm nhìn của GS.VS Nguyễn Văn Hiệu đã góp phần xây dựng lực lượng nghiên cứu nòng cốt. "Rất nhiều người trong số đó đã trở thành nhà khoa học đầu ngành của đất nước, cán bộ chủ chốt của Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam sau này". Tầm nhìn và tấm gương về một nhà khoa học tận tụy đến những ngày cuối đời của GS Hiệu truyền động lực cho nhiều thế hệ cán bộ nghiên cứu.
GS.TS Nông Văn Hải, nguyên Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và Viện trưởng sáng lập Viện Nghiên cứu hệ gene, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng là một trong số cán bộ trẻ được lựa chọn cử đi học ở Liên Xô (cũ) từ năm 1970. Sau 6 năm trở về nước, ông được phân công công tác tại Viện.
Trong ký ức của ông, GS Nguyễn Văn Hiệu là một nhà vật lý nổi tiếng, nhưng ông luôn quan tâm đến các lĩnh vực khoa học và công nghệ khác. GS Hiệu là người ủng hộ việc cử ông Hải sang Đức làm tiến sĩ về Sinh học phân tử và sau khi trở về đã luôn quan tâm để ông và một số cán bộ khác được đào tạo theo hướng này có điều kiện phát huy.
"Sau này khi công nghệ Nano trong Sinh học phát triển, thầy lại động viên tôi nghiên cứu theo hướng này", GS Hải nhớ lại.
Ông cho biết, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu đặc biệt quan tâm đến các ứng dụng của Sinh học phân tử và Công nghệ nano trong y- sinh-dược. Những năm gần đây GS Hiệu dành nhiều tâm huyết trong việc tập hợp đội ngũ trong Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam để xây dựng đề án, thành lập một đơn vị nghiên cứu mới - Viện Nghiên cứu Y Dược. "Tiếc rằng công việc đến nay còn dang dở. Cách đây chưa lâu, trong một lần gặp, Thầy còn nói với tôi: việc này chưa làm xong là Thầy vẫn còn day dứt lắm", GS Hải kể.
Không chỉ tâm huyết đào tạo đội ngũ trẻ, cuộc đời làm khoa học của GS Nguyễn Văn Hiệu còn ghi dấu với hơn 200 công trình đã công bố, trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Trong ký ức học trò Nông Văn Hải vẫn chưa quên người thầy tài năng, có thể vừa đệm đàn guitar vừa hát trong một dịp hội nghị thanh niên. "Ở ngoài đời, thầy là người rất gần gũi, cởi mở và vui vẻ", ông nói. Với ông GS.VS Nguyễn Văn Hiệu mãi là một tượng đài khoa học, một bậc thầy tài năng, đức độ, nhà lãnh đạo và quản lý khoa học có tâm và có tầm, là tấm gương sáng trên con đường khoa học cho các thế hệ học trò noi theo.
Bích Ngọc