Giải chính VinFuture Grand Prize trị giá lớn nhất (3 triệu USD) được trao cho nhóm nghiên cứu gồm ba nhà khoa học đứng sau thành công của vaccine mRNA phòng Covid-19. Hội đồng giải thưởng ghi nhận công trình nghiên cứu nền tảng với hai công trình lớn là lõi mRNA biến đổi và vỏ bọc nano lipid hiệu quả ổn định và tăng hoạt tính của mRNA.
Các tác giả gồm "mẹ đẻ" công nghệ mRNA - TS Katalin Kariko, nhà khoa học Hungary tại công ty BioNTech (Mỹ); GS Drew Weissman, nhà khoa học nghiên cứu vaccine tại Đại học Pennsylvania; GS Pieter Rutter Cullis, Giám đốc Viện Khoa học Sự sống tại Đại học British Columbia (UBC).
GS Pieter Rutter Cullis là người có công với nghiên cứu đột phá trong việc phát triển các hạt nano lipid (LNP) bao bọc RNA và bảo vệ nó khỏi bị thoái hóa, cho phép mRNA được đưa vào tế bào chất. Ở đây, mRNA "hướng dẫn" tế bào tạo ra protein liên quan đến virus gây bệnh, giúp vaccine hoạt động. Điều này đã mở ra một ngành khoa học mới và các phương pháp mới trong sản xuất vaccine mRNA Covid-19.
Kỹ thuật do GS Cullis tiên phong tạo ra đã được sử dụng thành công để phát triển hệ thống phân phối LNP cho vaccine mRNA, bao gồm cả những kỹ thuật đang được sử dụng để ứng phó với đại dịch Covid-19.
Còn TS Katalin Kariko tập trung nghiên cứu ARN thông tin (mRNA), vật liệu di truyền mang chỉ thị AND cho bộ máy tạo protein trong mỗi tế bào. Bà tin chắc mRNA có thể dùng để hướng dẫn tế bào tự sản xuất thuốc, bao gồm vaccine.
Là người thứ ba đứng tên trong công trình được trao giải, GS Drew Weissman -một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y, Đại học Pennsylvania (UPenn, Mỹ). Trong sự nghiệp của mình, GS Weissman đã dành hơn 15 năm nghiên cứu về RNA nhằm sản xuất vaccine với một niềm tin lớn vào khả năng chữa bệnh dường như vô tận của mRNA tùy chỉnh. Tuy nhiên, bản thân ông không ngờ rằng, công nghệ mRNA mà ông đồng sáng tạo với đồng nghiệp cũ là TS Katalin Kariko, đã trở thành một công nghệ bước ngoặt được sử dụng trong một số vaccine Covid-19 dựa trên mRNA.
Tại lễ trao giải, TS Katalin Kariko xúc động không nói lên lời. Bà bày tỏ lòng biết ơn tới các nhà sáng lập và hội đồng giải thưởng. "Giải thưởng này là điểm sáng về khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế", bà nói và cho biết rất vui mừng có mặt ở Việt Nam.
Chia sẻ với báo chí, bà nói chỉ có một vài điều ước, trong đó có việc tạo ra phân tử mRNA có thể được dùng làm protein trị liệu. "Tôi muốn chứng kiến mRNA trị liệu cứu sống nhiều người đang bị bệnh tật giày vò", bà Kariko nói. "Điều này thôi thúc tôi mỗi ngày thức dậy và hành động".
GS Weissman cũng không giấu được niềm vui. Ông cho rằng, giải thưởng không phải là dấu chấm dứt của mọi thứ mà mở ra liệu pháp vaccine Covid-19 mới, thế hệ vaccine mới cho bệnh tật khác nhau. Ông cũng kỳ vọng sau giải thưởng sẽ là sự khởi đầu hợp tác quốc gia Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, Thái Lan và nhiều quốc gia khác. "Điều quan trọng là tôi không phải người nhận giải thưởng này mà là hàng nghìn nhà khoa học đi trước tôi và hàng nghìn người sau tôi sẽ tiếp tục cách tiếp cận chữa bệnh mới", ông nói.
GS Pieter Rutter Cullis thì nói "đây là niềm vinh dự khó mà tin được" khi giải thưởng được tổ chức thành công trong bối cảnh dịch bệnh. "Các vị rất khó khăn để tổ chức sự kiện này để mọi thứ diễn ra", ông nói.
GS Pieter Rutter Cullis cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu cơ bản bởi, sẽ thúc đẩy phát kiến sáng tạo, quyết định hướng đi tích cực cho các nghiên cứu về sau. Từ nghiên cứu của mình, ông cũng muốn truyền cảm hứng cho các nhà khoa học trẻ. "Chắc chắn là các bạn sẽ không đi theo hướng nghiên cứu vaccine này đâu nhưng sẽ là các cống hiến giá trị", GS Cullis nói.
Trước đó, ông từng chia sẻ, trong khoa học chưa bao giờ dễ dàng nhưng "đừng bao giờ bỏ cuộc". Dù đó là ở Mỹ hay ở Việt Nam ông khuyên các bạn trẻ hãy sáng tạo. "Sáng tạo giúp các bạn có ý tưởng mới, khác biệt hoàn toàn so với những người khác. Khi có ai đó nghĩ khác biệt thì sẽ có cái mới", Cullis nói.
Bích Ngọc