Trong phiên tọa đàm "Tương lai của sức khỏe" tổ chức tại Hà Nội chiều 19/1 thuộc chuỗi sự kiện giải thưởng khoa học - công nghệ toàn cầu VinFuture, GS Drew Weissman, Giám đốc nghiên cứu vaccine, bộ phận bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Perelman, ĐH Pennsylvania, cho biết con người sẽ phải chống chọi với các đại dịch trong tương lai. Giống như cách mà Covid-19 xuất hiện, trước đó có dịch cúm mùa, Ebola... trở thành một phần trong cuộc sống.
Là nhà tiên phong trong lĩnh vực miễn dịch học, GS Weissman cho rằng đặt vấn đề về dự phòng ra sao để ứng phó với đại dịch. Ông nói, năm đầu Covid-19 xuất hiện cả thế giới "bị sốc" nhưng sau đó nhanh thích ứng, phát triển được các vaccine. Theo đó, phải "tạo ra loại vaccine phổ quát chống lại virus phổ biến trên toàn thế giới, sẵn sàng sử dụng dù dịch bùng phát ở đâu đều có thể ứng phó được", GS Weissman nói.
Nói về phát triển vaccine, tác giả của công nghệ mRNA - GS Katalin Kariko, kể về trải nghiệm của bà và cuộc chiến của cả nhân loại với đại dịch Covid-19. Thời điểm ban đầu có những ngần ngại trong phê duyệt vaccine Covid-19 khi đặt câu hỏi: liệu chúng có thực sự an toàn?. Tuy nhiên kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy có thể tin tưởng được.
"Công nghệ mRNA có thể sử dụng phát triển nhiều sản phẩm và ứng dụng nhiều loại vaccine khác nhau", theo GS Kariko. Bà nói rằng các RNA thông tin được nghiên cứu trong thời gian gần đây và tiếp tục nhân rộng để chế tạo vaccine giải quyết biến chủng khác nhau.
GS Pieter Rutter Cullis, ĐH British Columbia nói vaccine chỉ là một khía cạnh. Ông cho biết ở thời điểm hiện tại có nhiều công nghệ như mRNA nhưng sẽ không dừng ở đó. "Công nghệ màu nhiệm nhưng vẫn có khoảng trống", ông nói và thêm rằng kết cấu protein ở các loại vi khuẩn luôn xuất hiện, chúng ta cần phòng thủ trước các loại virus mới.
Mô hình hóa virus mới để chuẩn bị trước
GS Vũ Hà Văn, Đh Yale, Mỹ, tiết lộ câu chuyện về việc nghiên cứu sử dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn để xây dựng mô hình hóa các loại virus mới, qua đó giúp chuẩn bị trước.
Ông phân tích, các loại virus xuất hiện biến chủng khác nhau tuy nhiên số lượng giới hạn. Bởi vậy việc xây dựng mô phỏng nhằm tạo vaccine mang tính phổ quát giúp đối phó với các biến chủng. Ông tin rằng sẽ tạo ra kết quả thiết thực cho cuộc sống.
GS Văn đề xuất ứng dụng AI và dữ liệu lớn để chính xác hóa trong chuẩn đoán y học. Giống như một bác sĩ giỏi được tích lũy nhiều kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị, giờ đây có thể dạy cho máy và so sánh với hàng triệu trường hợp khác. Với sức mạnh điện toán, thuật toán thông minh sẽ giúp khai thác nguồn dữ liệu, mà ông Văn gọi đó là "trợ lý mơ ước trong tương lai". Ông nhấn mạnh, trợ lý này có thể giúp rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, giúp bác sĩ trẻ, ít kinh nghiệm hơn.
Ông cho biết hiện dự án 1.000 bộ gene của Việt Nam đã hoàn thành, cũng là cơ sở để y học tiên đoán sớm nguy cơ cho người bệnh. "Đây cũng là cơ sở để phát triển y học chính xác trong tương lai", ông Văn nói.
"Không ai có thể an toàn cho đến khi mọi người đều an toàn", GS Quarraisha Abdool Karim, Phó Giám đốc Khoa học của Trung tâm Nghiên cứu AIDS Nam Phi (CAPRISA), Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học châu Phi nói. Bà cho biết, Covid-19 chính là bằng chứng, đòi hỏi tiến bộ loài người, phác thảo phác đồ điều trị và vaccine ra đời.
GS Karim cho rằng, y học chính xác trong y tế công cộng là vô cùng quan trọng. "Sự tham của các quốc gia vào công nghệ, gồm chẩn đoán, phát triển vaccine phòng ngừa để phát triển hoàn sản phẩm đầy đủ là cần thiết".
Như Quỳnh