Vương quốc Tonga ở Thái Bình Dương trải qua thiệt hại trên diện rộng sau vụ phun trào núi lửa dưới nước và sóng thần vào cuối tuần trước. Hunga Tonga-Hunga Ha'apaim, nơi xảy ra vụ phun trào, là một hòn đảo non trẻ không người ở nhô lên cách đây hơn 7 năm và bị mất một phần diện tích sau sự kiện. Chùm ảnh từ các vệ tinh hé lộ những thay đổi về mặt địa lý trong lịch sử của hòn đảo mới.
Vệ tinh Gaofen-4 của Trung Quốc chụp ảnh hòn đảo hôm 30/4/2019. Hôm 17/1, vệ tinh Gaofen-2 ghi lại hình ảnh ở cùng khu vực. Các chuyên gia cho biết sau lần phun trào gần nhất vào năm 2014, ngọn núi lửa bốc khói trong khoảng một tháng trước khi magma nóng tới 1.000 độ C dâng lên và tiếp xúc với nước biển lạnh 20 độ C hôm 15/1, gây ra vụ nổ khổng lồ "nghìn năm có một".
Hôm 7/1, ảnh chụp từ vệ tinh Planet SkySat cho thấy một luồng khói bốc lên không trung từ núi lửa dưới biển. Hai tiếng trước vụ phun trào núi lửa hôm 15/1, phần giữa đảo Hunga Tonga-Hunga Ha'apai đã biến mất.
Hòn đảo không sự sống nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương là kết quả của quá trình hợp nhất hai đảo nhỏ có tên Hunga Tonga và Hunga Ha'apai. Quá trình sáp nhập xảy ra sau khi núi lửa dưới nước vào tháng 12/2014. Trước đó, hai đảo bị ngăn cách bởi nước biển Thái Bình Dương như ảnh chụp vào ngày 2/12/2013.
Hiện nay, hai đảo hình thành Hunga Tonga-Hunga Ha'apai lại tách ra lần nữa và giảm mạnh về kích thước. Nhà chức trách chưa đưa ra báo cáo chính thức về số ca tử vong hoặc thương vong ở Tonga nhưng kết nối Internet và điện thoại đang bị hạn chế và các khu vực ven biển chưa thể nối lại liên lạc với thế giới.
An Khang (Theo CGTN)
- Vụ phun trào 'nghìn năm có một' của núi lửa Tonga