Nghiên cứu đăng trên tạp chí Science Advances hôm 14/1 hé lộ, người Lưỡng Hà sử dụng sinh vật lai giữa lừa nhà và lừa hoang để kéo chiến xa cách đây 4.500 năm - ít nhất 500 năm trước khi ngựa được lai tạo cho mục đích này.
Nhóm nghiên cứu tiến hành phân tích DNA cổ đại lấy từ xương động vật khai quật ở miền bắc Syria, nhờ đó giải quyết được câu hỏi tồn tại từ lâu: "kunga" dùng để kéo chiến xa theo mô tả trong các tài liệu cổ xưa là loài vật gì?
"Từ những bộ xương, chúng tôi biết chúng là động vật giống ngựa, nhưng chúng không phù hợp với số đo của lừa nhà và cũng không giống với lừa hoang dã Syria", Eva-Maria Geigl, nhà nghiên cứu gene tại Institut Jacques Monod, cho biết.
Nghiên cứu mới cho thấy kunga là loài lai mạnh mẽ, nhanh nhẹn và không thể sinh sản của lừa nhà cái và lừa hoang Syria đực. Các ghi chép cổ đại nhắc đến kunga như những con thú được đánh giá cao và rất đắt tiền, nhiều khả năng do quá trình nhân giống phức tạp, Geigl nói.
Kunga vô sinh giống nhiều động vật lai khác, ví dụ như la. Vì vậy, chúng phải được tạo ra bằng cách giao phối giữa một con lừa nhà cái với một con lừa hoang đực. Bắt lừa hoang không phải nhiệm vụ dễ do chúng chạy nhanh và không thể thuần hóa.
"Họ thực sự đã dùng kỹ thuật sinh học để tạo ra những con lai này. Theo những gì chúng tôi biết, chúng là sinh vật lai tạo cổ xưa nhất và người xưa phải thực hiện lại quá trình lai với mỗi kunga - điều này giải thích tại sao chúng lại có giá trị lớn như vậy", Geigl nói.
Giới chuyên gia cho rằng người Sumer là những người đầu tiên lai tạo kunga từ trước năm 2500 trước Công nguyên - sớm hơn ít nhất 500 năm so với thời điểm những con ngựa thuần hóa đầu tiên được đưa đến từ thảo nguyên phía bắc dãy núi Caucasus. Các ghi chép cổ đại cho thấy các nền văn minh sau đó, ví dụ như người Assyria, tiếp tục lai tạo và bán kunga suốt nhiều thế kỷ.
Xương kunga dùng trong nghiên cứu mới nhất được khai quật từ một khu chôn cất tại Tell Umm el-Marra, miền bắc Syria, có niên đại vào khoảng đầu thời Đồ Đồng, từ năm 3000 đến năm 2000 trước Công nguyên. Đồng tác giả nghiên cứu Jill Weber, nhà khảo cổ tại Đại học Pennsylvania, khai quật số xương này khoảng 10 năm trước. Weber tin rằng chúng là kunga vì răng có dấu vết từ dây đai và kiểu mòn cho thấy chúng được cho ăn có chủ đích thay vì để tự ăn cỏ như bình thường.
Kunga chạy nhanh hơn ngựa nên việc dùng chúng để kéo chiến xa có thể vẫn tiếp diễn sau khi ngựa thuần hóa được đưa tới vùng Lưỡng Hà. Tuy nhiên, sau này những con kunga cuối cùng cũng chết và không còn con nào được lai tạo từ lừa nhà và lừa hoang, có thể do ngựa thuần hóa dễ nhân giống hơn, Geigl nhận định.
Thu Thảo (Theo Live Science)
- Hóa thạch 'rồng biển' dài hơn 10 m