Sinh ngày 18/1/1953 ở London và hiện là Giáo sư vật lý tại Đại học Cambridge của Anh, Sir. Richard Henry Friend được biết đến là một trong những khoa học đương đại nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất thế giới. Ông sở hữu hơn 20 bằng sáng chế và là tác giả, đồng tác giả của hơn 1.000 ấn phẩm khoa học, nổi bật trong đó là các nghiên cứu về điện tử hữu cơ.
Trong sự kiện mở màn cho Tuần lễ trao giải VinFuture vào ngày 18/1, Giáo sư Friend sẽ có buổi giao lưu với các nhà nghiên cứu Việt Nam để chia sẻ về niềm đam mê, những thành tựu và hy sinh của người làm khoa học.
Vào những năm 1990, Sir. Richard lần đầu tiên báo cáo về hoạt động hiệu quả của Transitor (bóng bán dẫn) hiệu ứng trường và đèn LED (điốt phát quang) dựa trên polymer hữu cơ.
Giáo sư và nhóm của mình đã phát triển các kỹ thuật xử lý polymer cho các polymer liên hợp và làm rõ kích thích điện tử phi tuyến tính thông qua các phép đo điện và quang. Ông ghi dấu ấn trong cộng đồng khoa học khi là người đầu tiên tạo ra Transitor hiệu ứng trường kim loại - oxit bán dẫn (MOSFET), với hợp chất polymer hữu cơ polyacetylene làm chất bán dẫn, và trình diễn hiệu quả cơ chế hoạt động của linh kiện đặc biệt này.
Thành công của nghiên cứu đã góp phần vào việc thương mại hóa công nghệ điốt phát quang hữu cơ (OLED), được sử dụng để phát triển màn hình phẳng, màn hình cuộn và màn hình chuyển động trong tương lai. Ứng dụng được biết đến nhiều nhất là TV màn hình OLED.
Nghiên cứu của Sir. Richard cũng được ứng dụng để phát triển bóng bán dẫn hiệu ứng trường polymer, điốt quang điện, ống chống bơm quang học và bóng bán dẫn polymer in trực tiếp.
Với những thành tựu to lớn trong việc nghiên cứu và giảng dạy, Giáo sư Friend đã được bầu làm Viện sĩ của Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh vào năm 2002 và được Nữ hoàng Anh phong tước Hiệp sĩ vào năm 2003 để tôn vinh "những cống hiến xuất sắc cho ngành Vật lý".
Trong sự nghiệp nghiên cứu của mình, Sir. Richard đã nhận nhiều huy chương và giải thưởng danh giá như: Huy chương Faraday do Viện Kỹ thuật và Công nghệ Anh (IET) trao tặng vào năm 2003; Huân chương và Giải thưởng của Viện Vật lý Katharine Burr Blodgett cùng với Tiến sĩ David Ffye năm 2009; Giải thưởng Harvey của Technion ở Israel năm 2011 và đặc biệt là Giải Millennium Prize năm 2010- Giải Công nghệ thiên niên kỷ tầm vóc sánh ngang Nobel - cho sự phát triển của điện tử nhựa.
Trong sự kiện mở màn cho Tuần lễ trao giải VinFuture vào ngày 18/1, Giáo sư Friend sẽ có buổi giao lưu với các nhà nghiên cứu Việt Nam để chia sẻ về niềm đam mê, những thành tựu và hy sinh của người làm khoa học.
Tuần lễ trao giải VinFuture được đánh giá là một trong những sự kiện quan trọng nhất của cộng đồng khoa học, công nghệ toàn cầu, nơi quy tụ các "ngôi sao khoa học" của thế giới đương đại. Tại đây, chủ nhân của các giải thưởng danh giá với tổng giá trị lên tới 4,5 triệu USD sẽ lộ diện.
Chuỗi sự kiện sẽ có 4 hoạt động chính: Ngày 18/1 là chương trình giao lưu cùng Hội đồng giải thưởng và Hội đồng sơ khảo. Ngày 19/1 là tọa đàm "Khoa học vì cuộc sống" gồm 3 phiên thảo luận với các chủ đề: Tương lai của năng lượng, tương lai của trí tuệ nhân tạo và tương lai của sức khỏe toàn cầu.
Ngày 20/1 là lễ trao giải thưởng VinFuture tại Nhà hát lớn Hà Nội lúc 20h (Truyền hình trực tiếp trên VTV1, Fanpage VinFuture Prize). Ngày 21/1 giao lưu cùng chủ nhân giải thưởng VinFuture.VnExpress sẽ tường thuật trực tuyến sự kiện này.
Đoàn Dương (Theo VinFuture/Researchgate)
- Nhiều nhà khoa học nổi tiếng tham gia Tuần lễ trao giải VinFuture
- Các nhà khoa học nổi tiếng thế giới truyền cảm hứng tại VinFuture