Hôm 6/1, 32 nhà khoa học khởi động nhiệm vụ kéo dài hơn hai tháng trên tàu nghiên cứu Nathaniel B. Palmer nhằm tìm hiểu về tốc độ và mức độ nước biển dâng khi hiện tượng ấm lên toàn cầu "ăn mòn" băng Nam Cực. Họ sẽ đến nơi sông băng khổng lồ và đang tan chảy Thwaites tiếp xúc với biển Amundsen.
Thwaites lớn tương đương bang Florida, Mỹ, và được đặt biệt danh là "sông băng tận thế" vì chứa lượng băng lớn, có thể khiến nước biển dâng thêm 65 cm trong vài trăm năm tới nếu tan chảy toàn bộ. Thwaites nằm ở nửa phía tây châu Nam Cực, cách xa mọi trạm nghiên cứu.
Do tầm quan trọng của Thwaites, các nhà khoa học Mỹ, Anh và Thụy Điển hợp tác thực hiện nhiệm vụ trị giá 50 triệu USD nhằm nghiên cứu sông băng này.
"Thwaites là lý do chính khiến tôi cho rằng các dự báo về mực nước biển dâng trong tương lai có độ chắc chắn thấp. Sông băng này nằm ở một khu vực rất xa xôi và khó tiếp cận. Nó có thể không ổn định và điều đó làm chúng tôi lo lắng", Anna Wahlin, nhà hải dương học tại Đại học Gothenburg, cho biết.
Thwaites đang khiến khoảng 45,5 tỷ tấn băng tan vào nước mỗi năm. Cơ quan Khảo sát Nam Cực Anh (BAS) cho biết, sông băng này đóng góp 4% lượng nước biển dâng toàn cầu và các yếu tố khiến nó mất nhiều băng hơn đang gia tăng, theo nhà khoa học Ted Scambos tại Đại học Colorado.
Theo Erin Pettit, chuyên gia về băng tại Đại học bang Oregon, có vẻ Thwaites đang sụp đổ theo ba con đường. Đầu tiên là tan chảy từ bên dưới do nước biển. Thứ hai, phần đất của sông băng đang "mất dần sức bám" với đáy biển nên một mảng lớn có thể tách ra đại dương, sau đó tan chảy. Cuối cùng, thềm băng của sông băng xuất hiện hàng loạt vết nứt giống như kính chắn gió ôtô bị hư hại. Đây là điều Pettit lo ngại nhất vì những vết nứt dài tới 10 km hình thành chỉ trong một năm.
Trong chuyến thám hiểm mới, Wahlin cùng đồng nghiệp sử dụng các tàu robot để nghiên cứu Thwaites. Nhóm chuyên gia sẽ đo đạc nhiệt độ nước, đáy biển và độ dày của băng. Ngoài ra, họ cũng sẽ xem xét các vết nứt trên băng, cấu trúc băng và gắn thẻ hải cẩu trên những hòn đảo xung quanh sông băng.
Thu Thảo (Theo CGTN)
- Hiện tượng 'tua băng' hiếm gặp ở Nam Cực
- Chiến dịch khoan lấy lõi băng 1,5 triệu năm ở Nam Cực