Trước khi Trái Đất và những hành tinh khác trong hệ Mặt Trời tồn tại, Mặt Trời có thể được bao quanh bởi những vòng bụi khổng lồ tương tự như sao Thổ, theo nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature Astronomy hôm 30/12. Những vòng bụi đó khiến Trái Đất không thể phát triển thành "siêu Trái Đất", nhóm hành tinh có kích thước lớn gấp đôi và khối lượng nặng gấp 10 lần hành tinh của chúng ta, theo NASA. Các nhà thiên văn học đã phát hiện nhiều siêu Trái Đất quay quanh 30% ngôi sao giống Mặt Trời trong dải Ngân Hà.
Sự tồn tại của siêu Trái Đất trong nhiều hệ sao khác đặt ra nhiều câu hỏi cho giới nghiên cứu. Ví dụ, nếu siêu Trái Đất rất phổ biến, tại sao chúng ta không có hành tinh nào như vậy trong hệ Mặt Trời? André Izidoro, nhà vật lý thiên văn ở Đại học Rice tại Houston, Texas và đồng nghiệp tạo ra mô hình mô phỏng trên máy tính về quá trình hình thành của hệ Mặt Trời từ tàn tích của đám mây bụi và khí bị sụp đổ. Mô phỏng của họ cho thấy có những vùng khí và bụi áp suất cao bao quanh Mặt Trời thuở sơ khai. Nhiều khả năng chúng là kết quả khi các hạt di chuyển về phía Mặt Trời dưới ảnh hưởng của lực hấp dẫn, bị nóng lên và giải phóng lượng lớn khí bay hơi.
Theo mô phỏng, hạt rắn bay hơi thành khí tập trung ở 3 khu vực riêng biệt gọi là "đường thăng hoa". Ở đường gần Mặt Trời nhất, tức khu vực nóng nhất, silicate rắn chuyển thành dạng khí. Ở đường nằm giữa, băng bị nung nóng đủ để chuyển thành khí. Ở đường xa nhất, carbon monoxide cũng bị biến đổi thành khí.
Hạt rắn như bụi đâm vào những khu vực trên và bắt đầu tích tụ lại, tạo thành nhiều vòng, theo đồng tác giả nghiên cứu Andrea Isella, phó giáo sư vật lý và thiên văn ở Đại học Rice. Nếu vùng áp suất cao không tồn tại, Mặt Trời sẽ nhanh chóng hấp thụ các hạt, không để lại bất kỳ vật liệu nào để hành tinh phát triển.
Theo thời gian, bụi và khí xung quanh Mặt Trời nguội dần và đường thăng hoa tiến gần về phía ngôi sao hơn. Quá trình này cho phép bụi tích tụ thành vi thể hành tinh, cuối cùng phát triển thành hành tinh. Vùng áp suất cao quyết định lượng vật liệu sẵn có để hình thành hành tinh ở vành trong hệ Mặt Trời.
Theo mô phỏng, vành đai gần Mặt Trời nhất góp phần tạo ra các hành tinh ở vành trong gồm sao Thủy, sao Kim, Trái Đất và sao Hỏa. Vành giữa cuối cùng trở thành những hành tinh ở vành ngoài trong khi vòng xa nhất hình thành sao chổi, tiểu hành tinh và nhiều thiên thể nhỏ khác ở vành đai Kuiper nằm ở xa hơn quỹ đạo sao Hải Vương. Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện nếu vành đai quanh Mặt Trời không tồn tại, những siêu Trái Đất có thể xuất hiện trong hệ Mặt Trời.
An Khang (Theo Live Science)
- Bằng chứng về hành tinh thứ 9 trong hệ Mặt Trời