Thông tin được ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ chiều 7/1 khi tổng kết hoạt động của năm 2021.
Ông Linh cho biết, trong năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm được Tổng cục thực hiện là việc xây dựng Luật sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Nhiệm vụ này cũng được tập trung trong năm 2022 để hoàn thiện hành lang pháp lý giúp quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm hàng hóa, thuận lợi cho doanh nghiệp.
Các nhiệm vụ chuyên môn như việc ban hành các tiêu chuẩn, cung cấp mã vạch truy xuất nguồn gốc hàng hóa, thanh tra chuyên ngành, trong năm 2021 cũng đạt nhiều kết quả. Trong đó đã có 6 thủ tục hành chính được Tổng cục phối hợp với Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) kết nối, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN.
"Chỉ tính riêng thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ với hơn 88.000 lượt hồ sơ được giải quyết trong năm 2021 đã góp phần tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng chi phí, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp", ông Linh nói.
Trong năm 2021, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố 61 TCVN về trang thiết bị y tế, trong đó có nhiều TCVN về khẩu trang, găng tay y tế, áo choàng y tế, mũ trùm đầu y tế... phục vụ phòng chống dịch Covid-19. Có 18 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) liên quan đến lĩnh vực trang thiết bị y tế (máy thở, máy hô hấp, khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn...), lĩnh vực về quản lý rủi ro đặc thù cho ngành thiết bị y tế... được Tổng cục cung cấp miễn phí cho doanh nghiệp.
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định đánh giá cao các kết quả và ghi nhận hệ thống pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu quản lý và sự phát triển của xã hội. Minh chứng là hệ thống TCVN của Việt Nam đã lên đến hơn 13.000 TCVN và hơn 800 QCVN, hơn 60% TCVN hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế. "Đây chính là công cụ quản lý nhà nước của các Bộ, ngành nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý ngành, lĩnh vực, ngăn chặn các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, ảnh hưởng đến môi trường, sức khoẻ người dân", Thứ trưởng Định nói.
Ông cũng ghi nhận hoạt động năng suất, chất lượng, mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý trong bối cảnh mở cửa thị trường, ứng dụng hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại. Hoạt động này giúp nghiệp giảm chi phí đầu tư nhưng tăng cường kiểm soát hàng hóa và các bên liên quan trong toàn chuỗi cung ứng xác định, truy xuất nguồn gốc, thu hồi sản phẩm không an toàn, kém chất lượng, ngăn chặn hàng giả hàng nhái...
Thứ trưởng Định yêu cầu trong năm 2022, Tổng cục tập trung 5 định hướng lớn, trong đó hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý về chất lượng sản phẩm hàng hóa, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Cần tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo định hướng mới (trong đó đặc biệt chú ý đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ ứng dụng, phát triển các công nghệ cao, phục vụ phát triển năng lượng quốc gia).
Thứ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục xây dựng và triển khai đề án chuyển đổi số trong hoạt động theo hướng tinh gọn; tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia. Ông cho rằng, có hạ tầng số sẽ giải quyết được nhiều bài toán, trong đó có việc đảm bảo kết nối trong đại dịch.
Đối với các chương trình, đề án quốc gia về năng suất chất lượng, truy xuất nguồn gốc, Thứ trưởng Định nhấn mạnh, thực hiện linh hoạt, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy năng suất, chất lượng, nguồn gốc sản phẩm hàng hóa Việt Nam, đảm bảo có tính cạnh tranh dựa trên nền tảng áp dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thứ trưởng cũng yêu cầu trong năm 2022, Tổng cục tăng cường kỷ cương và minh bạch trong các nhiệm vụ chính trị được giao. Các tổ chức Đảng, các cơ quan cần lắng nghe tiếng nói từ cơ sở, từ đó có tham mưu, điều chỉnh trong quản lý và xây dựng chính sách.
Hải Minh