Bức ảnh tuyệt đẹp trên được nhiếp ảnh gia thiên văn người Mỹ Andrew McCarthy ghi lại bằng kính viễn vọng và chia sẻ lên Instagram vào tuần trước. Nó cho thấy sao chổi phát sáng xanh rực rỡ và tạo ra một vệt sáng dài trên bầu trời. Màu sắc đặc biệt của Leonard tiết lộ cấu trúc băng đá bên trong nó chứa nhiều cyanide và carbon diatomic. Sao chổi đang bị đốt nóng và có khả năng tan rã cao.
McCarthy đã bỏ rất nhiều công sức để chụp bức ảnh này. Nhiếp ảnh gia phải thiết lập kính viễn vọng từ ban ngày, thời điểm rất khó quan sát các vì sao, khiến việc căn chỉnh thiết bị gặp nhiều khó khăn.
"Để sắp xếp mọi thứ, tôi phải dựa vào Mặt Trời và sao Kim vì cả hai đều có thể nhìn thấy vào ban ngày", McCarthy kể lại. "Thông thường, bạn phải đợi một thời gian dài sau khi Mặt Trời lặn để chụp hình, nhưng Leonard đủ sáng để nhìn thấy màu xanh của nó trước khi bầu trời hoàn toàn tối đen. Vì vậy, ngay khi thiên thể xuất hiện trên màn hình, tôi bắt đầu chụp ảnh".
Để tạo ra hình ảnh sắc nét cuối cùng, nhiếp ảnh gia đã xếp chồng 25 bức ảnh chụp nhanh trong 12 phút lên nhau, giúp cải thiện các chi tiết mờ nhất của đuôi sao chổi.
Sao chổi Leonard chỉ mới được phát hiện vào ngày 3/1 năm ngoái bởi nhà thiên văn học Gregory J Leonard tại Đài quan sát hồng ngoại Mount Lemmon ở Arizona, Mỹ. Khi đó, nó cách Mặt Trời 5 đơn vị thiên văn (AU), tương đương 750 triệu km, và di chuyển với tốc độ lên tới 257.500 km/h.
Leonard đã tiếp cận gần Trái Đất nhất trên quỹ đạo hình elip của nó vào ngày 12/12/2021 ở khoảng cách 34,9 triệu km, và sau đó tiến tới điểm cận nhật (gần Mặt Trời nhất) vào ngày 3/1/2022 ở khoảng cách 92 triệu km. Hiện tại, thiên thể đang bay ra xa hệ Mặt Trời và phải chờ tới 80.000 năm nữa, chúng ta mới lại có cơ hội chiêm ngưỡng nó ở khoảng cách gần như vậy.
Đoàn Dương (Theo Mail)
- Mưa sao băng Geminids vụt sáng trên bầu trời
- Sao chổi ghé thăm Trái Đất trước khi biến mất