Báo cáo "Các loài linh trưởng của tiểu vùng sông Mekong mở rộng: thực trạng, các mối đe dọa và những nỗ lực bảo tồn" được WWF phát hành ngày 5/1 cho thấy nguyên nhân khiến các loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng do sinh cảnh bị mất hoặc chia cắt, biến đổi khí hậu và săn bắt do nhu cầu tiêu thụ và buôn bán bất hợp pháp.
Khu vực Tiểu vùng sông Mekong Mở rộng hiện là nhà của 44 loài linh trưởng, trong đó 25 loài sinh sống tại Việt Nam. 1/4 các loài này nằm trong danh sách cực kỳ nguy cấp của sách Đỏ thế giới IUCN và một nửa trong số chúng thuộc danh sách các loài nguy cấp.
Trong số 25 loài linh trưởng nguy cấp toàn cầu, Việt Nam có 5 loài đặc hữu (voọc Cát Bà, voọc mông trắng, voọc mũi hếch, chà vá chân xám và vượn mào đen Phương Đông) cũng đang phải đối mặt với những mối đe dọa nghiêm trọng.
Nghiên cứu chỉ ra một thực trạng, các loài linh trưởng bị săn bắn làm thuốc, thực phẩm và làm thú cưng độc lạ hoặc đạo cụ chụp ảnh cho khách du lịch. Trong đó, loài linh trưởng buôn bán hợp pháp được sử dụng trong nghiên cứu y sinh và thử nghiệm dược phẩm gia tăng, ước tính trị giá 138 triệu USD vào năm 2015.
Ông Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc điều hành của WWF Việt Nam, cho biết các biện pháp bảo tồn cần được thực hiện để cứu các loài linh trưởng và giúp chúng phục hồi với số lượng khả thi. "Vẫn còn cơ hội để cứu những quần thể loài độc đáo này, nhưng phải hành động nhanh chóng và dứt khoát", ông nói.
Thời gian qua WWF tiến hành khảo sát các quần thể linh trưởng tại một số khu bảo tồn như vượn tay trắng ở khu Bảo tồn Quốc gia Nam Poui ở Lào, hay voọc Hà Tĩnh ở huyện Thạch Hóa, Quảng Bình. Đồng thời hỗ trợ tuần tra rừng tại khu vực Trung Trường Sơn để dỡ bỏ các bẫy thú và giải cứu linh trưởng đặc hữu nguy cấp bị mắc bẫy về tự nhiên.
Kết nối các mảnh rừng bị chia cắt và cải thiện chất lượng rừng cũng là chiến lược mà WWF thực hiện trong hơn 30 năm qua tại Việt Nam nhằm bảo vệ các loài hoang dã. Gần đây, WWF đã hỗ trợ nâng cấp Sông Thanh từ Khu Bảo tồn thành Vườn Quốc gia, hỗ trợ thành lập hai Khu Bảo tồn Sao la tại tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế cũng như mở rộng các khu bảo tồn tại Quảng Nam, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Như Quỳnh
- 10 km thu được 1.000 bẫy thú rừng