Quần đảo Aleut là nhóm đảo núi lửa nằm ở vùng ven biển phía nam Alaska, là ngôi nhà của 44 ngọn núi lửa. Nhóm đảo này có dạng hình cung độc đáo, bắc ngang qua phía bắc Thái Bình Dương. Kết quả nghiên cứu mới cho thấy bên dưới quần đảo này có thể tồn tại một siêu núi lửa và quần đảo chỉ là một hõm chảo khổng lồ, vùng trũng giống hình chiếc chảo lớn sau vụ phun trào núi lửa.
John Power, nhà địa vật lý ở Đài quan sát núi lửa Alaska của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ, cho biết nếu ngọn núi lửa phát nổ trong vài nghìn năm qua, nó có thể đe dọa những nền văn minh trên khắp thế giới. Theo phát hiện công bố tại cuộc họp thường niên của Liên đoàn Địa vật lý Mỹ hôm 7/12/2021, quần đảo Aleut có thể là tàn tích còn sót lại sau khi siêu núi lửa bên dưới phun trào. Hơn thế, siêu núi lửa này có thể nối liền với 6 ngọn núi lửa trên quần đảo Aleut.
Các ngọn núi lửa bao gồm Herbert, Carlisle, Cleveland, Tana, Uliaga, và Kagamil có thể là tạo thành một mạch phun dọc theo rìa núi lửa lớn hơn nhiều, trong đó Cleveland là núi lửa hoạt động mạnh nhất trong nhóm. Theo dữ liệu địa lý, nhóm nghiên cứu sử dụng địa chấn kế nhỏ để ghi lại nhiều trận vi động đất quanh quần đảo, trải rộng về hướng đông bắc. Đây là dấu hiệu của hoạt động núi lửa cực mạnh.
Dù nghiên cứu mới chưa được xác nhận, các nhà khoa học tìm thấy bằng chứng thuyết phục. Theo kết quả nghiên cứu, đỉnh của những núi lửa trên quần đảo Aleut hiện nay hợp thành vòng tròn. Thông qua lập bản đồ địa hình đáy biển, nhóm nghiên cứu phát hiện các dải đất hình cung và hõm sâu 130 m ở trung tâm vòng tròn bên dưới mặt nước. Theo Power, phát hiện giúp họ xác định tại sao núi lửa Cleveland lại hoạt động mạnh như vậy.
Power và cộng sự vẫn đang ở giai đoạn nghiên cứu bước đầu. Sau khi thu thập nhiều bằng chứng hơn, họ có thể khoanh vùng những mối đe dọa ở hiện tại và tương lai trong khu vực để tìm cách ngăn chặn.
An Khang (Theo Interesting Engineering)
- Núi lửa Tây Ban Nha ngừng phun trào sau gần 3 tháng