Các nhà khoa học phát hiện hài cốt một người đàn ông trẻ và một con chó chết trong trận sóng thần gây ra bởi vụ phun trào núi lửa Thera 3.600 năm trước, trong những chuyến khai quật tại Cesme-Baglararasi, gần vịnh Cesme, bờ biển phía tây Thổ Nhĩ Kỳ. Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences hôm 28/12.
Thera ngày nay là một miệng núi lửa tại trung tâm đảo Santorini, Hy Lạp. Sử dụng phương pháp định tuổi bằng đồng vị carbon với trầm tích sóng thần tại Cesme-Baglararasi, nhóm nghiên cứu tin rằng vụ phun trào xảy ra sớm nhất là vào năm 1612 trước Công nguyên. Nghiên cứu do nhà khảo cổ Vasif Sahoglu tại Đại học Ankara cùng đồng nghiệp tiến hành.
Dù vụ phun trào Thera là một trong những thảm họa tự nhiên lớn nhất lịch sử, đây là lần đầu tiên các chuyên gia khai quật được hài cốt nạn nhân trong sự kiện. Bên cạnh đó, sự hiện diện của trầm tích sóng thần tại Cesme-Baglararasi cho thấy những cơn sóng lớn và có sức tàn phá nặng nề đã lan tới phía bắc biển Aegea sau khi Thera phun trào.
Trước đó, dựa vào các bằng chứng tìm được, giới khoa học cho rằng khu vực thuộc Địa Trung Hải này chỉ phải hứng chịu tro bụi từ vụ phun trào núi lửa. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy khu vực vịnh Cesme đã hứng chịu một chuỗi sóng thần, khiến các khu định cư địa phương bị tàn phá.
Tại Cesme-Baglararasi, nhóm chuyên gia cũng tìm thấy tàn tích của những bức tường bị hư hại, có thể từng là một phần của thành lũy hoặc công trình tương tự, cùng các lớp gạch đá vụn và trầm tích hỗn độn đặc trưng của sóng thần. Trong số đó có hai lớp tro núi lửa, lớp thứ hai dày hơn lớp đầu tiên, và một lớp khác chứa than củi và các vật hóa than. Theo nhóm nghiên cứu, các trầm tích này đại diện cho ít nhất 4 đợt ngập lụt do sóng thần liên tiếp, các đợt tách biệt nhau nhưng đều là kết quả của vụ phun trào Thera.
Dấu vết các hố méo mó được đào trong trầm tích sóng thần ở nhiều nơi khác nhau tại Cesme-Baglararasi cho thấy nỗ lực kéo các nạn nhân ra khỏi đống đổ nát. Hài cốt người đàn ông mới khai quật nằm ở độ sâu khoảng một mét dưới một trong những chiếc hố như vậy. Điều này cho thấy nạn nhân nằm quá sâu nên không được phát hiện và kéo lên, do đó vô tình bị bỏ lại. Các nhà khoa học cũng tìm thấy bộ xương của một con chó trong ô cửa bị sập gần đó.
Hài cốt người đàn ông được phát hiện tại vị trí hư hại nặng nhất của tường thành và nằm ở phần dưới cùng của lớp trầm tích, đặc trưng bởi những tảng đá lớn và nặng nhất, một số có đường kính tới hơn 40 cm, khiến nỗ lực cứu hộ thêm khó khăn. Ngoài ra, bộ xương còn mang những dấu hiệu đặc trưng của việc bị cuốn theo dòng chảy mảnh vụn.
Thu Thảo (Theo Mail)
- Hài cốt người bị đóng đinh lên thập tự giá 1.700 năm trước
- Hài cốt 2.500 năm có chiếc lưỡi bằng vàng