Ông Cao Minh Phương, đại diện công ty TNHH Việt Nông cho biết, nhóm nghiên cứu của công ty đã sử dụng công nghệ sinh học hiện đại chọn tạo được 12 giống cây trồng mới (trong đó 10 giống đã được cấp bằng bảo hộ giống cây trồng mới). Kết quả này thực hiện từ dự án thuộc Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt.
Theo nhóm nghiên cứu, thực hiện dự án, đã có 12 giống cây trồng mới gồm mướp đắng, dưa leo, bí đỏ, bí đao, mướp hương, bầu, đậu đũa, đậu cove, dưa hấu... được đưa vào sản xuất thử nghiệm. Các giống mới được chọn tạo và đưa vào trồng thử nghiệm ở nhiều tỉnh trên cả nước với diện tích lên đến gần 1.200 ha, cho năng suất trung bình cao hơn từ 10-15% so với các giống hiện hành khác.
Để tạo ra các giống rau mới, mất ba năm, nhóm nghiên cứu đã làm chủ quy trình sàng lọc dòng kháng bệnh mang gene mục tiêu bằng công nghệ dấu ấn phân tử - DNA marker. Quy trình này giúp sàng lọc nguồn nguyên liệu di truyền cho lai tạo, rút ngắn thời gian sàng lọc từ 36 tháng xuống còn 12 tháng và đảm bảo tính chính xác, giúp đẩy nhanh tiến độ chọn tạo giống. Riêng quy trình kiểm tra độ thuần giống bằng công nghệ điện di điểm đẳng điện (IEF electrophoresis) giúp công đoạn kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi xuất xưởng được rút ngắn từ ba tháng (khi trồng hậu kiểm đồng ruộng) còn 24h.
Nhóm nghiên cứu thực hiện sàng lọc nhanh dòng kháng bệnh bằng công nghệ vi sinh. Cách làm cũ là trồng toàn bộ các dòng trên ruộng thí nghiệm trong điều kiện có áp lực bệnh cao. Đánh giá khả năng chống chịu bệnh của từng dòng để chọn ra dòng kháng bệnh... Nhưng ở công nghệ này, nhóm tác giả phân lập chủng vi sinh gây bệnh ngay từ đầu, nuôi và nhân sinh khối số lượng lớn vi sinh gây bệnh trong điều kiện phòng thí nghiệm. Các chủng nhiễm trên cây con trong nhà màng được đánh giá khả năng chống chịu bệnh và loại bỏ ngay các dòng mẫn cảm với bệnh, giữ lại dòng kháng bệnh, sau đó mới trồng ra ruộng để đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển.
Một công nghệ mang tính sáng tạo của đề tài là kiểm tra độ chính xác và độ thuần của giống bằng công nghệ điện di điểm đẳng điện. Thông thường, hạt giống sau khi được sản xuất sẽ được kiểm tra độ thuần bằng phương pháp hậu kiểm trên đồng ruộng. Cây trồng trên ruộng đến giai đoạn cho trái sẽ được đánh giá các chỉ tiêu độ thuần dựa trên quan sát hình thái. Nhóm nghiên cứu thực hiện cải tiến bằng cách hạt giống sau thu hoạch sẽ được thu mẫu, tách lấy protein rồi kiểm tra tính đúng về giống và độ thuần của giống dựa trên kết quả điện di protein.
Ở công đoạn chế biến, xử lý và đóng gói hạt giống sau thu hoạch, nhóm nghiên cứu thực hiện hoàn toàn tự động. Hạt được xử lý tác nhân gây hại như virus và nấm bệnh bằng công nghệ nhiệt khô và tăng khả năng xua đuổi côn trùng bằng công nghệ polymer coating.
Ông Phương cho biết, từ năm 2016 trở về trước, công ty ông dùng khoảng 40-50 tỷ đồng/năm để nhập khẩu hạt giống. Nay chủ động được nguồn giống trong nước, chi phí này giảm từ 40-60%. Nghĩa là cùng với lượng hạt giống đó, nếu nhập khẩu sẽ mất 40 tỷ đồng, nhưng khi chủ động sản xuất trong nước, chi phí chỉ còn 15-17 tỷ đồng. Và cũng từ khi chủ động sản xuất hạt giống, không còn phải nhập khẩu nữa. Hạt giống chất lượng cao "made in Việt Nam" từ nghiên cứu này được ứng dụng cho các vùng trồng lớn, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap.
PGS.TS Khuất Hữu Trung, Phó Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp cho biết, hiện Việt Nam vẫn phải nhập khẩu số lượng lớn các loại giống cây trồng, trong đó có giống rau. Giống rau nhập khẩu chủ yếu là các giống lai ôn đới như cà chua, cải bắp, súp lơ, dưa chuột... Nghiên cứu này có ý nghĩa rất lớn, mang lại giá trị kinh tế cao cho doanh nghiệp cũng như chủ động được giống nội. Việc phát triển sâu hơn các nghiên cứu khoa học tương tự sẽ giúp lộ trình làm chủ công nghệ sản xuất giống cây của Việt Nam được rút ngắn, ổn định thị trường.
Thông tin về các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia, xin liên hệ: - Văn phòng các Chương trình khoa học và Công nghệ quốc gia – Bộ Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 113 - Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội. Điện thoại: (84.24) 3.5551.726 – Fax: (84.24) 3.5551.725. Email: [email protected]. Webiste:http://vpctqg.gov.vn.
Tô Hội