Con người là giống loài bậc cao duy nhất được tìm thấy trên hành tinh xanh. Chúng ta đạt được nhiều thành tựu từ việc đơn giản như mặc quần áo, nấu đồ ăn, cho tới phát minh ra điện thoại thông minh, rồi vươn tới các vì sao.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu con người đột nhiên tuyệt chủng? Những loài động vật nào có thể tiến hóa để có trí thông minh và kỹ năng để tạo ra những xã hội phức tạp, rộng lớn như chúng ta?
Với công nghệ giải trình tự gen hiện đại, Martha Reiskind, nhà sinh thái học phân tử tại Đại học Bang North Carolina cho rằng nhân loại có thể đưa ra các dự đoán ngắn hạn.
Một trong số những dự đoán rằng nếu con người đột ngột tuyệt chủng, biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục thúc đẩy nhiều loài động vật hướng tới khả năng chống chịu với hạn hán để tồn tại.
Trong đó, loài chuyên chịu lạnh sẽ tiếp tục gặp khó khăn, điển hình như gấu Bắc Cực hay chim cánh cụt khó có thể phát triển mạnh trong nhiều thiên niên kỷ sau khi con người biến mất.
"Đó là khái niệm về sự hội tụ", Dougal Dixon, một nhà địa chất học là tác giả của cuốn sách "After Man: A Zoology of the Future" cho biết. Tại đây, sự hội tụ là một quá trình tiến hóa trong đó hai sinh vật không liên quan kết thúc phát triển các đặc điểm giống nhau để thành công trong một môi trường cụ thể hoặc lấp đầy một "thị trường ngách" cụ thể.
Lý giải kỹ hơn, Dixon lấy trường hợp của loài cá để minh họa. Theo ông, loài cá với da trơn, mang hình dáng động học giống trái ngư lôi và vây phát triển, được xem là tối ưu hóa cho cuộc sống dưới nước.
Tuy nhiên, cá heo đã tiến hóa theo một kế hoạch không giống như cá, khiến chúng là loài động vật có vú máu nóng, thở bằng phổi như thú cạn với nền tảng tiến hóa hoàn toàn khác.
Tinh tinh là ứng viên số 1
Theo nghiên cứu từ Đại học Manchester, một đặc điểm khiến con người trở nên giỏi xây dựng và suy luận không gian là bàn tay khéo léo của chúng ta.
Để hoàn thành vai trò sinh thái tương tự như con người - tức là xây dựng thành phố và sửa đổi mạnh mẽ môi trường của chúng ta - một loài khác sẽ cần phải phát triển một năng lực tương tự để thao tác. Nói cách khác, chúng sẽ cần các ngón tay đối lập nhau - hoặc ít nhất là các ngón tay tương đương.
Các loài linh trưởng như tinh tinh được kỳ vọng, một phần vì chúng là những họ hàng gần nhất còn sống của chúng ta, với khả năng dùng 2 tay để tương tác một cách khéo léo.
Căn cứ vào việc loài người hiện đại đã tồn tại lâu hơn những người Neanderthal thông minh trong kỷ băng hà gần đây nhất cách đây 40.000 năm, theo một nghiên cứu năm 2021 được công bố trên tạp chí Nature; có lẽ sẽ mất hàng trăm nghìn hoặc thậm chí hàng triệu năm tiến hóa để các loài vượn khác phát triển khả năng tạo ra và sử dụng các công cụ tinh vi giống như con người.
Chim cũng là ứng viên tiềm năng
Thế nhưng bất kỳ thảm họa nào đủ mạnh để quét sạch con người, cũng có khả năng giết chết luôn cả tinh tinh. Điều này khiến một ứng cử viên khác lấp đầy vị trí của con người: Đó là chim.
Khi loài khủng long tuyệt chủng cách đây 66 triệu năm, các loài động vật có vú đã vươn lên lấp đầy lỗ trống của chúng. Nhưng thật ra, chim mới là kẻ sống sót sau thảm họa, vì chúng có thể bay vượt qua những khói bụi bị che lấp, từ đó đi tìm những vùng kiếm ăn mới. Trong khi đó, đa số khủng long với kích thước quá lớn, đã chấp nhận cái chết vì cạn kiệt thức ăn.
Giờ đây nếu con người biến mất, chim - loài duy nhất còn sống sót từ thời khủng long, có thể đảm nhận vai trò của chúng ta như những động vật trên cạn thông minh và khéo léo nhất.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science vào năm 2020, bất chấp những định kiến ngược lại, các loài chim có trí tuệ rất đáng kinh ngạc. Điển hình như một số loài chim, chẳng hạn như quạ, có trí tuệ sánh ngang với cả tinh tinh. Trong khi đó, vẹt xám Châu Phi đã được huấn luyện để học tới 100 từ và làm các phép toán đơn giản. Một số loài vẹt thậm chí tiến hóa để cạy nắp thùng rác cực kỳ điêu luyện.
Côn trùng cũng có cơ hội?
Trong khi nhiều loài động vật sẽ khó thích nghi với điều kiện khí hậu ngày càng khắc nghiệt, thì côn trùng được xem là có khả năng sống sót qua mọi tác động từ sinh thái.
Trên thực tế, chúng đã cực kỳ thích nghi với các loại môi trường khác nhau, và tồn tại khoảng 480 triệu năm, theo Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London.
Tổ chức của các đàn kiến và mối có lẽ giống với nền văn minh của con người hơn bất kỳ giống loài nào khác trên Trái đất. Do đó, nếu con người tuyệt chủng, có thể những đàn côn trùng này có thể chiếm lấy thế giới - giả sử chúng sống sót sau biến đổi khí hậu.
Tất nhiên, tất cả những điều này chỉ là suy đoán. Hầu như không thể dự đoán được rằng sự tiến hóa sẽ diễn ra như thế nào trên quy mô thời gian địa chất.
"Khi bạn đi xa hơn và xa hơn, độ chính xác của bạn càng giảm đi rõ ràng hơn, bởi vì có tất cả những điều tuyệt vời khác sẽ gây ra sự biến đổi", Reiskind nói. Những yếu tố đó bao gồm đột biến ngẫu nhiên, sự kiện tuyệt chủng đột ngột và tắc nghẽn dân số, trong đó một loài sẽ tự rút lui khỏi bờ vực tuyệt chủng nhưng mất đi phần lớn sự đa dạng của di truyền.
Bên cạnh đó, sẽ càng khó để dự đoán liệu một giống loài khác có thể phát triển trí thông minh ở cấp độ con người, hay thậm chí chỉ là mong muốn để xây dựng thành phố giống như chúng ta.
Minh Khôi
Theo Live Science