Thông tin được Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nói khi đến thăm Khu công nghệ cao TP HCM, chiều 17/12 trong kế hoạch làm việc với các khu công nghệ cao trong cả nước ở ba địa phương Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM.
Theo Bộ trưởng Đạt, trong đề án thử nghiệm liên kết "ba nhà" sẽ thành lập các doanh nghiệp khởi nguồn (spin off) bằng cơ chế sandbox - tức thí điểm công nghệ, mô hình mới. Bởi hiện nay, muốn thực hiện đề án sẽ vướng chừng 5-6 bộ luật và chỉ có mô hình sandbox mới hy vọng tháo gỡ được những rào cản pháp lý.
"Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với các đơn vị để xây dựng đề án dựa trên các nhiệm vụ khoa học công nghệ để tháng 6 hoặc cuối năm sau báo cáo Thủ tướng, Quốc hội thông qua", Bộ trưởng nói và đề nghị Khu công nghệ cao có thể mời thêm các đơn vị khác tham gia vào đề án này. Hiện, mô hình sandbox được Học viện Nông nghiệp Việt Nam thử nghiệm về thành lập doanh nghiệp khởi nguồn bằng các nhiệm vụ khoa học công nghệ.
Trước đó, báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao cho biết, do ảnh hưởng của Covid-19, ước tính năm 2021 giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao giảm 15 – 20% so với kế hoạch, tức đạt 22,5 tỷ USD. Cơ cấu nội địa hóa trong giá trị sản phẩm tại Khu công nghệ cao từ năm 2013 đến nay trung bình đạt 20% mỗi dự án, thể hiện chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ với quy mô nhỏ của TP HCM. Mục tiêu đến năm 2025, Khu công nghệ cao đóng góp 15% vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP HCM và năng suất lao động tăng 8 lần so với trung bình của thành phố.
"Liên kết ba nhà là một trong ba đột phá sắp tới của Khu công nghệ cao vì đây là phương tiện để nâng cấp nguồn nhân lực và tiềm lực khoa học công nghệ nói chung, là yếu tố cạnh tranh trong giai đoạn hiện nay", ông Thi nói và đặt mục tiêu trước mắt thực hiện đổi mới quản lý và chuyển đổi số để doanh nghiệp và người lao động là trung tâm cho mọi hoạt động tại Khu công nghệ cao.
Hà An
- Bộ Khoa học và Công nghệ 'gỡ khó' các khu công nghệ cao