Tàu vũ trụ NASA chạm vào Mặt Trời

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) gọi lần đầu tiên tàu thăm dò Parker bay qua khí quyển ngoài cùng của Mặt Trời là khoảnh khắc lịch sử.


Tàu Parker đạt được thành tích trên khi bay qua khu vực bao quanh Mặt Trời gọi là vành nhật hoa trong thời gian ngắn vào tháng 4 năm nay. Tuy nhiên, kết quả phân tích dữ liệu giờ đây mới chính thức xác nhận chuyến bay. Tàu Parker đã trải qua nhiệt độ và bức xạ cực hạn để thu thập dữ liệu mới về cơ chế hoạt động của Mặt Trời.


"Tương tự hạ cánh trên Mặt Trăng cho phép các nhà khoa học tìm hiểu Mặt Trăng hình thành như thế nào, việc chạm vào Mặt Trời là một bước tiến lớn đối với nhân loại, giúp phát hiện thông tin quan trọng về ngôi sao gần Trái Đất nhất và ảnh hưởng của nó đối với hệ Mặt Trời", Nicola Fox, giám đốc bộ phận khoa học vật lý mặt trời của NASA, cho biết.


Tàu thăm dò Parker là một trong những nhiệm vụ táo bạo nhất mà NASA từng thực hiện. Phóng cách đây 3 năm, mục tiêu của con tàu là bay qua Mặt Trời ngày càng gần hơn. Tàu vũ trụ di chuyển ở tốc độ cực nhanh, hơn 500.000 km/h. Phương pháp của tàu thăm dò là đến gần Mặt Trời và bay ra xa thật nhanh, tiến hành đo môi trường Mặt Trời với một loạt thiết bị nằm sau tấm chắn nhiệt dày.


Hôm 28/4, tàu Parker bay qua ranh giới Alfvén. Đây là rìa ngoài cùng của vành nhật hoa. Ranh giới Alfvén cũng là điểm vật chất Mặt Trời thoát khỏi lực hấp dẫn và từ trường để bắn vào không gian. Tàu Parker lao qua ranh giới này ở độ cao 13 triệu km phía trên bề mặt. Dữ liệu của tàu thăm dò cho thấy con tàu đã bay qua phía trên và dưới ranh giới Alfvén 3 lần riêng biệt trong thời gian 5 giờ, theo nhà nghiên cứu Stuart Bale ở Đại học California, Berkley.


"Chúng tôi nhận thấy điều kiện thay đổi hoàn toàn. Bên trong vành nhật hoa, từ trường của Mặt Trời trở nên mạnh hơn nhiều và chi phối chuyển động của các hạt ở đó. Vì vậy, tàu vũ trụ thực sự tiếp xúc với Mặt Trời", Bale nói.


Các nhà nghiên cứu rất quan tâm đến vành nhật hoa bởi đó là nơi diễn ra một số quá trình quan trọng chưa thể lý giải. Một trong số đó là hiện tượng mang tên counter-intuitive superheating. Nhiệt độ của Mặt Trời ở khí quyển vào khoảng 6.000 độ C nhưng bên trong vành nhật hoa, độ nóng lên tới một triệu độ C hoặc hơn. Cũng bên trong khu vực này, dòng hạt tích điện gồm electron, proton và ion nặng, đột ngột tăng tốc thành gió siêu thanh. Cơ chế đó cũng là một điều bí ẩn cần khám phá.


Nhóm nghiên cứu dự án Parker sẽ thu thập thêm nhiều dữ liệu khi tàu thăm dò tiến sâu hơn vào vành nhật hoa ở những lần bay gần Mặt Trời trong tương lai. Con tàu sẽ bay cách quang quyển 7 triệu km năm 2025.


Những đợt bùng phát lớn nhất từ Mặt Trời có thể tác động tới từ trường Trái Đất. Trong suốt quá trình, liên lạc có thể bị gián đoạn, vệ tinh ngừng hoạt động và mạng lưới điện dễ bị hỏng hóc bởi điện áp tăng vọt. Giới nghiên cứu đang tìm cách dự đoán bão mặt trời và tàu Parker hứa hẹn cung cấp nhiều thông tin mới quý giá để giúp họ đạt mục tiêu. Kết quả mới nhất từ nhiệm vụ Parker được NASA công bố tại hội nghị mùa thu của Liên đoàn Địa vật lý Mỹ tại New Orleans.


An Khang (Theo BBC)









Tau vu tru NASA 'cham' vao Mat Troi


Co quan Hang khong Vu tru My (NASA) goi lan dau tien tau tham do Parker bay qua khi quyen ngoai cung cua Mat Troi la khoanh khac lich su.

Tàu vũ trụ NASA 'chạm' vào Mặt Trời

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) gọi lần đầu tiên tàu thăm dò Parker bay qua khí quyển ngoài cùng của Mặt Trời là khoảnh khắc lịch sử.
Tàu vũ trụ NASA chạm vào Mặt Trời
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: