Một nhóm gồm 78 nhà nghiên cứu quốc tế dẫn đầu bởi Kristine WF Lam và Szilárd Csizmadia từ Viện Nghiên cứu Hành tinh thuộc Trung tâm Hàng không Vũ trụ Đức (DLR) đã báo cáo kết quả nghiên cứu của họ về ngoại hành tinh GJ 367b trên tạp chí khoa học Science trong tháng này.
GJ 367b cách chúng ta chỉ 31 năm ánh sáng - một khoảng cách gần trong thiên văn học - và quay quanh ngôi sao lùn đỏ có kích thước bằng nửa Mặt Trời. Trong số gần 5.000 ngoại hành tinh được biết đến cho đến nay, GJ 367b là một trong những vật thể nhẹ nhất. Nó có đường kính lớn hơn sao Hỏa, khoảng 9.000 km, và có mật độ dày đặc hơn nhiều so với Trái Đất nhưng chỉ nặng bằng một nửa hành tinh của chúng ta.
"Mật độ cao cho thấy hành tinh đá này bị chi phối bởi lõi sắt, một đặc điểm tương tự sao Thủy", Csizmadia cho biết thêm.
GJ 367b cũng là một trong những hành tinh quay nhanh nhất từng được biết đến khi chỉ mất 7,7 giờ để hoàn thành một vòng quỹ đạo quanh ngôi sao chủ, khiến nó được xếp vào nhóm ngoại hành tinh có chu kỳ cực ngắn, dưới 24 giờ (USP).
"Chúng tôi mới chỉ phát hiện một vài USP và vẫn chưa hiểu rõ nguồn gốc của chúng. Bằng cách nghiên cứu các đặc tính cơ bản của loại hành tinh này, chúng ta có thể có cái nhìn sơ lược về lịch sử hình thành và tiến hóa của hệ thống", Lam cho biết thêm.
Việc nằm gần sao chủ đồng nghĩa hành tinh phải tiếp xúc với mức độ bức xạ cực cao, mạnh hơn 500 lần những gì Trái Đất nhận từ Mặt Trời. Do đó, nhiệt độ bề mặt của GJ 367b có thể đạt tới 1.500°C, đủ nóng để nung chảy đá và kim loại.
Khám phá mới được thực hiện bởi Thiết bị Khảo sát Ngoại hành tinh (TESS) của NASA bằng phương pháp chuyển tiếp - phép đo sự khác biệt nhỏ về ánh sáng phát ra, hoặc độ lớn biểu kiến của một ngôi sao, khi một hành tinh đi qua trước mặt nó đối với người quan sát.
Đoàn Dương (Theo SciTech Daily)
- Ngoại hành tinh gần nhất có thể chụp ảnh trực tiếp
- Phát hiện ngoại hành tinh nhiều nước hơn Trái Đất