Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 chiều 13/12 đã tổng kết 5 năm nghiên cứu. Tại hội nghị, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đánh giá, các Chương trình đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.
Giai đoạn 2016-2020, Chương trình khoa học trọng điểm cấp quốc gia có 6 chương trình thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ (KC) và một thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (KX.01/16-20).
Đã có trên 257 nhiệm vụ khoa học công nghệ được triển khai, hơn 9.700 cán bộ nghiên cứu, các nhà khoa học đầu ngành từ 155 đơn vị chủ trì, hàng trăm tổ chức trong và ngoài nước tham gia thực hiện. Từ chương trình này, nhiều kết quả được ứng dụng thực tiễn, phục vụ cho ngành, địa phương doanh nghiệp và phát triển kinh tế xã hội. "Nhiều kết quả có giá trị khoa học cao, ngang tầm khu vực quốc tế, góp phần đào tạo nhân lực trong nước", Thứ trưởng Tùng nói.
Ông nêu ví dụ, chương trình KX.01 đã đưa ra nhiều kiến nghị, chắt lọc từ nhiệm vụ phục vụ soạn thảo Văn kiện Đại hội Đảng. Ở các chương trình KC, đã có khoảng 469 sản phẩm, 103 thiết bị, máy móc, 85 vật liệu mới, 31 dây chuyển công nghệ, 69 mẫu, mô hình, 136 loại sản phẩm là hàng hóa có thể tiêu thụ như cây trồng, chủng nấm...
Các nhiệm vụ cũng xây dựng 384 giải pháp, quy trình công nghệ, 90 cơ sở dữ liệu, 60 phần mềm, trong đó nhiều kết quả đã ứng dụng vào thực tiễn. Trong đó phải kể đến hệ thống nghiệp vụ dự báo khí hậu hạn mùa, quy trình công nghệ xử lý bùn thải, công nghệ xử lý sinh học hiếu khí chất thải rắn sinh hoạt; giải pháp chống hạn, giảm thiểu xâm nhập mặn và trữ nước ngọt cho vùng hạ du đồng bằng sông Hồng - Thái Bình...
Báo cáo đánh giá về kết quả khoa học của chương trình cho thấy các nhiệm vụ có các công trình khoa học đăng trên tạp chí khoa học uy tín quốc tế tăng mạnh so với giai đoạn trước. Các nghiên cứu và phát triển công nghệ cũng mở rộng tiếp cận tới vấn đề được quan tâm tầm thế giới như ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI, công nghệ điện toán đám mây, Internet vạn vật (IoT).
Minh hoạ thêm các kết quả từ chương trình, PGS. TS Trần Đỗ Đạt, Phó Giám đốc phụ trách các Chương trình trọng điểm cấp quốc gia nêu, nhiều kỹ thuật và công nghệ tiên tiến đã được Việt Nam làm chủ. PGS Đạt cho biết, đây là một mục tiêu quan trọng trong chương trình KC, với hơn 380 giải pháp, quy trình công nghệ được phát triển.
Trong đó phải kể đến ứng dụng công nghệ chiếu xạ để sản xuất maltodextrin kháng tiêu hóa từ tinh bột gạo dùng làm chất xơ thực phẩm. Đây là nghiên cứu mới ứng dụng thành công về mặt khoa học ứng dụng, áp dụng nhiều kỹ thuật hiện đại như chiếu xạ, nhiệt phân, thủy phân enzym, trao đổi ion, sấy phun. Cụ thể nhóm nghiên cứu đã làm chủ công nghệ và chế tạo hệ thống thiết bị sản xuất thành công sản phẩm maltodextrin kháng tiêu hóa có chất lượng cao và ứng dụng trong chế biến hàng chục loại thực phẩm giàu chất xơ. Quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị hoạt động đồng bộ, bán tự động này dễ dàng hoàn thiện và phát triển để sản xuất quy mô lớn.
Một kết quả khác từ chương trình KC.10 là quy trình kỹ thuật ghép thùy phổi hoặc một phổi từ người cho sống hoặc người cho chết não. Việc các nhà khoa học thực hiện thành công các ca đầu tiên ghép phổi từ người cho sống và từ người chết não đã mở ra một hướng điều trị mới cho bệnh phổi giai đoạn cuối ở Việt Nam. "Ghép phổi thành công là bước đi tiếp theo chấm dứt sự tụt hậu của ghép tạng Việt Nam, đưa kỹ thuật ghép tạng nước ta tiếp cận với các nước có nền y học tiên tiến", PGS Đạt cho biết.
Một kết quả khác là kỹ thuật điều trị hội chứng truyền máu song thai và giải xơ buồng ối bằng laser quang đông, được ứng dụng hiệu quả tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Việc hoàn thiện kỹ thuật với trên 30 ca đạt kết quả tốt, tương đương tỷ lệ thành công của các nước đã mở ra hướng điều trị mới trong nước, giúp cứu sống nhiều thai nhi và hạn chế các di tật sau sinh.
Kỹ thuật giải trình tự thế hệ mới trong sàng lọc rối loạn nhiễm sắc thể trước chuyển phôi đã tạo ra cuộc cách mạng trong công nghệ sinh học. Kỹ thuật được ứng dụng trong cả nghiên cứu và chẩn đoán lâm sàng, nhằm tăng tỷ lệ thành công cho thụ tinh trong ống nghiệm, hạn chế phôi, thai dị tật, qua đó tiết kiệm công sức, tiền bạc.
PGS Trần Đỗ Đạt cũng chỉ ra điểm hạn chế, trong đó có một số nhiệm vụ phân bố chưa đồng đều ở các nội dung, chưa có nhiều kết quả, sản phẩm nghiên cứu mang tính đột phá. Bên cạnh đó, số lượng dự án sản xuất thử nghiệm chưa nhiều, số lượng doanh nghiệp mới được hình thành còn hạn chế. "Trong bối cảnh lấy doanh nghiệp làm trung tâm, số lượng 10% nhiệm vụ KC có doanh nghiệp hoặc đơn vị nghiên cứu thuộc doanh nghiệp là đơn vị chủ trì là khiêm tốn", ông Đạt cho hay.
Ông kiến nghị cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nội dung, lựa chọn các vấn đề ưu tiên, nội dung đủ lớn và mang tính liên ngành, có tầm chiến lược. Trong đó, mỗi nội dung đặt ra trong chương trình cần phải xác định rõ những vấn đề chính, phân kỳ mục tiêu và kết quả cần đạt theo giai đoạn ngắn, trung và dài hạn đến 10 năm. Đồng thời gắn chặt chẽ giữa nghiên cứu với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực, coi đây là một trong nhiệm vụ trọng tâm.
Ở giai đoạn giai đoạn 2021-2025 hướng tới 2030,chương trình sẽ được tái cơ cấu. Ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, bên cạnh các định hướng nghiên cứu về lĩnh vực ưu tiên, giai đoạn mới bổ sung nghiên cứu dụng phục vụ phát triển kinh tế xã hội nông thôn, dân tộc, vùng, địa phương. Đặc biệt, hướng tới công nghiệp 4.0, công nghệ cao, công nghệ thông tin phục vụ xây dựng Chính phủ số và đô thị thông minh, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, lưu trữ năng lượng, công nghệ vũ trụ và bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn gene. Các nghiên cứu định hướng đổi mới sáng tạo cũng cần gắn với doanh nghiệp và thị trường.
Ông Hải nhấn mạnh, giai đoạn mới sẽ được tái cơ cấu dựa trên căn cứ chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2021-2030), lấy doanh nghiệp làm trung tâm, viện nghiên cứu và trường là chủ thể nghiên cứu, thu hút các nguồn lực xã hội. Các nhiệm vụ cần đảm bảo không trùng lặp về nội dung và phân bổ nguồn lực, dựa theo tiêu chí có tính ứng dụng cao, ưu tiên phát triển mô hình sinh kế gắn với đặc thù vùng, địa phương.
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt ghi nhận, những kết quả chương trình trọng điểm đạt được góp phần quan trọng vào thành tích chung của ngành trong những năm qua. Bộ trưởng nhận định, những thành tựu mới trong kỹ thuật ghép tạng khẳng định sự tiến bộ của nền y học nước nhà. "Các kỹ thuật tiên tiến trong khám chữa bệnh mà chương trình KC.10 đạt được tiếp tục được phổ biến rộng trong bệnh viện", ông nói.
Những kết quả nổi bật như xây dựng hệ thống nghiệp vụ dự báo khí hậu hạn mùa bằng mô hình động lực, hay nghiên cứu về biển giúp làm dày kho dữ liệu về địa chất, văn hóa, lịch sử và tài nguyên biển, thông qua đó khẳng định chủ quyền Việt Nam tại biển Đông hay ứng dụng công nghệ vật liệu, thiết bị ứng dụng trong sản xuất, mang lại lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp cũng được Bộ trưởng nhắc đến.
Bộ trưởng Đạt ghi nhận sự say mê, lao động miệt mài của các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu và sự phối hợp của các bộ, ban, ngành.
Về định hướng giai đoạn mới, Bộ trưởng cho rằng ngoài việc hoàn thiện khung chương trình, trong quá trình tái cơ cấu, Bộ cũng tích cực phối hợp với các bộ ngành để hoàn thiện thể chế, các thông tư hướng dẫn để cải cách mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học.
"Cần phải tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý từ khâu xác định nhiệm vụ, tuyển chọn và đánh giá nghiệm thu để hoạt động các chương trình ngày càng hiệu quả hơn", Bộ trưởng nói.
Tại sự kiện, Bộ trưởng Đạt đã tặng bằng khen của Bộ Khoa học và Công nghệ cho các cá nhân đã có đóng góp tích cực trong tư vấn, phối hợp tổ chức xây dựng và quản lý nhiệm vụ; các cá nhân thực hiện, có đóng góp tích cực trong triển khai tổ chức nhiệm vụ của chương trình.
Như Quỳnh