Nội dung được báo cáo tạo hội nghị trực tuyến "Thực trạng và đề xuất mô hình đổi mới sáng tạo các tỉnh Đông và Tây Nam Bộ" do Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, tổ chức chiều 13/12.
Ở Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Trần Duy Tâm Thanh, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, giai đoạn 2017-2021, tỉnh tổ chức 39 lớp tập huấn kỹ năng khởi nghiệp với hơn 1.500 doanh nghiệp tham gia. Các hoạt động kết nối đầu tư, cuộc thi khởi nghiệp để tìm kiếm dự án chất lượng hỗ trợ cũng được tổ chức. Toàn tỉnh có 75 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và hơn 240 dự án khởi nghiệp, trong đó có nhiều dự án tăng trưởng vượt bậc.
Theo ông Thanh, theo khung đánh giá 7 cấp độ về hệ sinh thái khởi nghiệp, tỉnh mới ở cấp độ 1 và 2 (giai đoạn mới hình thành). Số doanh nghiệp khởi nghiệp còn ít so với tiềm năng của địa phương. Các tổ chức khởi nghiệp hình thành nhưng chưa hoạt động bài bản, khả năng kết nối tạo thành mạng lưới hỗ trợ, tạo giá trị cho doanh nghiệp còn hạn chế.
Ông cho biết, thời gian tới tỉnh hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp theo chiều sâu, tập trung vào các lĩnh vực tiềm năng của địa phương. Ngoài thực hiện các hoạt động cộng đồng, ươm tạo, hỗ trợ doanh nghiệp, tỉnh dự kiến xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên nòng cốt giảng dạy và tổ chức hoạt động khởi nghiệp. "Chúng tôi sẽ xây dựng sổ tay điện tử tư vấn chính sách cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và tổ chức liên quan", ông Thanh nói.
Ở TP Cần Thơ cũng được ghi nhận là địa phương có nhiều hoạt động hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp với nguồn lực 15 tổ chức hỗ trợ, 18 trường, viện nghiên cứu. Theo ông Vũ Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Thông tin Khoa học Công nghệ Cần Thơ, khảo sát trong số 7.000 doanh nghiệp tại địa phương có đến 36% doanh nghiệp mong muốn khởi nghiệp.
Trong giai đoạn 2018 - 2020, Cần Thơ xây dựng cộng đồng khởi nghiệp duy trì hoạt động với 120.000 thành viên, 150 dự án khởi nghiệp có yếu tố sáng tạo để tập trung hỗ trợ phát triển. Địa phương tổ chức 6 sự kiện với 6.000 người tham gia để phát triển kỹ năng khởi nghiệp, tiếp cận thị trường, hoàn thiện sản phẩm...
Để nâng chất lượng doanh nghiệp khởi nghiệp, ông Hải đề xuất giải quyết ba vấn đề về đào tạo văn hóa chấp nhận rủi ro với doanh nghiệp, phát triển đội ngũ cố vấn và các nhà đầu tư, mở rộng liên kết giữa các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp.
"Chúng tội định hướng kết nối toàn cầu trong hỗ trợ khởi nghiệp. Trước mắt, hình thành trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo của địa phương mang tính chất liên kết cấp vùng, cùng với các địa phương khác hỗ trợ khởi nghiệp và chú trọng việc kêu gọi nguồn lực xã hội tham gia hệ sinh thái", ông Hải nói.
Ở Long An mới đây đã xây dựng Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, chuẩn bị ra mắt trong tháng 12. Trung tâm dự kiến hỗ trợ khoảng 30 doanh nghiệp, ưu tiên doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh cũng dự kiến ươm tạo 10 dự án khởi nghiệp có tính ứng dụng.
Mỗi năm trung tâm dự kiến đào tạo 2 - 4 khóa về kiến thức khởi nghiệp, tổ chức cho doanh nghiệp tham gia hoạt động nâng cao kỹ năng khởi nghiệp. Lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ là thực phẩm, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, môi trường, năng lượng tái tạo... Ngoài ra, dự án được hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp dẫn dắt, các chuyên gia giỏi, các doanh nhân thành công để cùng hỗ trợ thúc đẩy hoạt động không gian khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, ông Vương Đức Tuấn, Phó cục Trưởng, Cục công tác phía Nam, cho rằng, quá trình đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi kinh tế sau Covid-19. Ông mong muốn các cơ quan quản lý hoạch định chiến lược liên kết giữa các tổ chức, doanh nghiệp trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với mục tiêu cuối cùng là ứng dụng công nghệ, phục hồi kinh tế.
Hà An