Theo báo cáo do Dự án Carbon Toàn cầu (GCP) thực hiện và công bố hôm 4/11, lượng khí thải CO2 ước tính sẽ tăng 4,9% trong năm nay, phần lớn bắt nguồn từ việc đốt than và khí tự nhiên trong lĩnh vực điện và công nghiệp.
Năm 2020, lượng khí thải CO2 đã giảm kỷ lục 1,9 tỷ tấn - tương ứng 5,4% - do tác động của đại dịch, nhưng kể từ đó, mọi thứ dần phục hồi và sớm muộn sẽ quay trở lại mức phát thải năm 2019, Giáo sư Petteri Taalas, Tổng thư ký của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), nhấn mạnh tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc COP26 đang diễn ra ở Glasgow, Scotland.
"Đo đạc gần đây của WMO cho thấy mật độ carbon dioxide vẫn tiếp tục tăng ngay cả trong thời gian giãn cách vào năm ngoái. Chúng tôi đã ghi nhận mức tăng 2,5 ppm CO2 trong khí quyển, và tất nhiên đó không phải là một bất ngờ tích cực đối với chúng ta", Taalas nói với Reuters.
Trong những nước phát thải lớn, Trung Quốc và Ấn Độ được dự đoán sẽ phát thải cao hơn vào năm 2021 so với năm 2019, trong khi Mỹ và Liên minh châu Âu dự kiến phát thải ít hơn một chút.
Nghiên cứu cũng dự báo tổng lượng khí thải toàn cầu trong năm nay có thể đạt 36,4 tỷ tấn CO2. Với mức phát thải hiện tại, chúng ta sẽ không thể ngăn nhiệt độ toàn cầu nóng lên quá 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp theo Thỏa thuận chung Paris 2015.
Vì vậy, các quốc gia cần hành động nhiều hơn để chống lại biến đổi khí hậu. Để đạt được mục tiêu này, tác giả chính của nghiên cứu Pierre Friedlingstein từ Đại học Exeter của Anh cho biết thế giới phải đạt mức phát thải ròng CO2 bằng 0 vào năm 2050.
Đoàn Dương (Theo Reuters)
- Biến đổi khí hậu dưới góc nhìn khoa học
- Các quốc gia cam kết phát thải như thế nào?