Tận dụng tự nhiên để làm giàu ở đồng bằng sông Cửu Long

Các nhà khoa học cho rằng, đồng bằng sông Cửu Long có nguồn lợi tự nhiên phong phú nên, cần nghiên cứu tận dụng theo cách "thuận tự nhiên".


Thông tin được các nhà khoa học chia sẻ tại "Diễn đàn Hợp tác và Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) 2021: phát huy sáng kiến địa phương, tăng cường hợp tác đa phương", tổ chức sáng 4/11 tại Hà Nội.


Chuyên gia về nông nghiệp và biến đổi khí hậu Nguyễn Hữu Thiên cho biết, Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu có nhiều định hướng quan trọng. Trong đó, phát triển phải tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo, từ đó chọn mô hình thích ứng, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn.


"Thuận thiên không có nghĩa là không làm gì, mà làm phải hiểu quy luật tự nhiên, tránh can thiệp quá thô bạo, thay đổi căn bản điều kiện tự nhiên sẽ phát sinh những hệ lụy phải trả giá về sau", chuyên gia Nguyễn Hữu Thiên nói. Ngoài ra, cần coi nước mặn, nước lợ hay nước ngọt đều là tài nguyên. Việc giảm bớt việc kiểm soát chống lại quy luật tự nhiên, giảm bớt sự cắt đứt liên lạc sông - biển, giảm ô nhiễm cho sông ngòi, duy trì liên lạc sông biển sẽ duy trì được hệ sinh thái và thủy sản biển.


Theo TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), biến đổi khí hậu đang hiện hữu ở ĐBSCL với nhiều thách thức lớn như xâm nhập mặn, hạn hán, sụt lún, và suy giảm hệ sinh thái... Dịch bệnh Covid-19 và những dịch chuyển biến động lớn về lao động việc làm trong thời gian qua cũng đặt ra vô vàn những thách thức cho khu vực. "Nếu lựa chọn giải pháp sử dụng tri thức và công nghệ, hợp tác đa phương và phát huy yếu tố con người, yếu tố nội lực của vùng, ĐBSCL nhất định sẽ hồi sinh và cất cánh", ông Dũng nói.


GS.TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Đại học Cần Thơ cho rằng ĐBSCL đang đứng trước 3 thách thức lớn: các đập thủy điện ở thượng nguồn Mekong, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, phát triển không bền vững, khai thác tài nguyên quá mức dẫn đến suy thoái. Do đó khi quy hoạch, phải linh hoạt, hình dung các tình huống, xu hướng, kịch bản phát triển cụ thể cùng giải pháp ứng phó các tình huống, xu hướng đó.


GS Tuấn cho rằng, ĐBSCL nên phân vùng quản lý nước thành ba vùng chính: Vùng nước ngọt nên lùi vào khu vực an toàn tự nhiên, không được can thiệp. Vùng chuyển tiếp gồm nước ngọt, lợ, mặn phải chấp nhận ngọt – mặn theo mùa, chỉ điều tiết chứ không ngăn mặn. Vùng nước lợ - mặn thì thực hiện tuần hoàn nước biển để phát triển thủy sản và phục hồi sinh thái.


GS.TS Marco Abbiati, tùy viên khoa học, Tham tán, Đại sứ quán Italy tại Việt Nam đồng tình giải pháp phát triển ĐBSCL phải dựa trên tự nhiên. Ví dụ, rừng ngập mặn có thể chống lũ thì phải nghiên cứu tận dụng thay vì xây dựng các loại đê, kè ngăn biển. Giảm rủi ro lũ lụt bằng quản lý sông và bão bồi, làm chậm dòng chảy của lũ. Quản lý thảm thực vật để làm chậm dòng nước, tăng thẩm thấu trong lòng đất, tạo điều kiện thoát hơi nước, tăng độ nhám và làm chậm dòng chảy... Những yếu tố này gọi là "vốn tự nhiên xanh", có trong thủy sản biển, nuôi trồng thủy sản, rừng ngập mặn, châu thổ và cửa sông, thảm cỏ, năng lượng ngoài khơi...


Theo GS Võ Tòng Xuân, ĐBSCL có thể thiết kế một chiến lược phát triển kinh tế trên nền tảng số hóa, phát triển nhiều thế mạnh nông nghiệp đặc thù theo chuỗi giá trị của từng sản phẩm. Nơi đây có thể phát triển các sản phẩm có thế mạnh đặc thù theo chuỗi giá trị khép kín, có tính liên kết vùng. "Không nên phó mặc cho nông dân tự phát chuyển lúa thành cây ăn trái rải rác mà cần theo quy hoạch đã định hướng vùng trồng. Tổ chức sản xuất thành chuỗi giá trị, như thế mới giúp nông dân làm giàu bền vững", GS Xuân nói.


Diễn đàn ĐBSCL được VUSTA tổ chức thường niên từ năm 2019. Năm nay sự kiện diễn ra cùng thời gian Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) tại Glasgow (Vương quốc Anh) từ 31/10 đến 12/11. Thông qua diễn đàn, các đại biểu trao đổi về các cơ hội, thách thức, cũng như đề xuất các giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL. Các sáng kiến về năng lượng sạch, chuyển dịch năng lượng công bằng cũng sẽ được hỗ trợ để đưa vào thực tiễn, góp phần thúc đẩy nền kinh tế bền vững. Diễn đàn còn nhằm tìm kiếm và kết nối các sáng kiến, giải pháp, mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển sinh kế, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần phát triền bền vững ĐBSCL.


Tô Hội









'Tan dung tu nhien de lam giau o dong bang song Cuu Long'


Cac nha khoa hoc cho rang, dong bang song Cuu Long co nguon loi tu nhien phong phu nen, can nghien cuu tan dung theo cach "thuan tu nhien".

'Tận dụng tự nhiên để làm giàu ở đồng bằng sông Cửu Long'

Các nhà khoa học cho rằng, đồng bằng sông Cửu Long có nguồn lợi tự nhiên phong phú nên, cần nghiên cứu tận dụng theo cách "thuận tự nhiên".
Tận dụng tự nhiên để làm giàu ở đồng bằng sông Cửu Long
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: