Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Ngân hàng thế giới (WB) và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đã tổ chức lễ công bố các báo cáo về "Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam" (viết tắt là STI) và "Đánh giá tác động của công nghệ đến tăng trưởng kinh tế" vào sáng 3/11.
Nội dung báo cáo xoay quanh việc áp dụng đổi mới sáng tạo sâu rộng có thể giúp các quốc gia vượt qua những thách thức mới để tiếp tục phát triển, bao gồm xung đột địa chính trị toàn cầu, dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và sự sụt giảm đáng chú ý của tăng trưởng năng suất.
Báo cáo cũng gợi ý rằng Việt Nam nên định hướng lại chính sách khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, từ việc hỗ trợ đổi mới cấp tiến sang thúc đẩy việc hấp thụ và phổ biến công nghệ giữa nhóm các doanh nghiệp. Theo đó, sự phổ biến về công nghệ không chỉ là nghiên cứu và phát triển, mà có thể mang lại hiệu quả năng suất và chuyển đổi kinh tế đáng kể.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Australia và Ngân hàng Thế giới, đồng thời mong muốn có thêm nhiều sáng kiến hợp tác để biến những khuyến nghị và công cụ hữu ích đó thành hành động.
Bộ trưởng cũng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống Đổi mới sáng tạo Quốc gia để tạo ra, chuyển đổi, ứng dụng tri thức và công nghệ tốt hơn nhằm hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước vào năm 2030 và 2045.
Đồng quan điểm nêu trên, bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng khẳng định rằng đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa để vượt qua các thách thức hiện có, là chiến lược đột biến cho đổi mới sáng tạo Việt Nam.
"Việt Nam sẽ cần những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế để có thể đạt được tham vọng trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045 và đổi mới sáng tạo sẽ là nền tảng cơ bản trong việc nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng tăng trưởng", bà Carolyn phát biểu.
Được biết, báo cáo "Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam" do Ngân hàng Thế giới và Bộ KH&CN Việt Nam phối hợp thực hiện đã nghiên cứu chính sách và khuôn khổ phát triển hiện tại của hệ thống STI trong nhiều năm.
Qua đó, báo cáo phân tích, đi sâu và làm rõ các rào cản gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình đổi mới, đề xuất chương trình cải cách toàn diện để thúc đẩy tăng trưởng về đổi mới sáng tạo.
Báo cáo cũng đề xuất Việt Nam nên định hướng lại chính sách cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, từ việc hỗ trợ đổi mới tiên tiến sang thúc đẩy ứng dụng và lan tỏa các công nghệ trong nhóm doanh nghiệp lớn.
Đây được cho là nguồn tham khảo chính sách quan trọng trong quá trình chuyển đổi kinh tế của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời cũng cho thấy tính hiệu quả và nhân tố đổi mới sáng tạo đóng vai trò ngày càng quan trọng trong tăng trưởng kinh tế so với vốn và lao động giá rẻ.
Nguyễn Nguyễn