Khi các ngôi sao có khối lượng từ nhỏ đến trung bình cạn kiệt nhiên liệu hydro trong lõi, áp suất bên ngoài trở nên mất cân bằng với lực hấp dẫn bên trong, khiến chúng sụp đổ. Khi đó, lớp vỏ plasma bao quanh lõi trở nên đủ nóng để bắt đầu tổng hợp hydro, sản sinh nhiệt lượng làm giãn nở đáng kể các lớp bên ngoài của thiên thể, biến nó trở thành một ngôi sao khổng lồ đỏ.
CW Leonis là một ví dụ như vậy. Trong giai đoạn cuối cùng của vòng đời, nó giải phóng một lượng lớn vật chất ra ngoài vũ trụ, tạo thành một lớp bụi dày đặc bao quanh.
Hình ảnh tuyệt đẹp trên - chụp bởi Camera trường rộng 3 trên kính viễn vọng không gian Hubble - cho thấy những đám mây bụi khổng lồ chứa đầy carbon được nhuốm màu đỏ cam bởi sáng rực rỡ phát ra từ lõi của CW Leonis, gợi liên tưởng đến một cảnh xuyên không trong phim khoa học viễn tưởng.
Hình dạng đặc biệt của lớp khí bụi bao quanh CW Leonis có thể được tạo ra bởi từ trường của ngôi sao, nhóm vận hành kính Hubble giải thích. Việc thổi carbon vào không gian sẽ cung cấp vật liệu thô để hình hành những ngôi sao hoặc hành tinh mới trong tương lai.
CW Leonis từ lâu đã thu hút sự chú ý của các nhà thiên văn học. Với khoảng cách chỉ 400 năm ánh sáng, đây là ngôi sao carbon gần Trái Đất nhất từng được biết tới. Điều này đem đến cơ hội hiếm có để nghiên cứu tác động qua lại giữa các ngôi sao khổng lồ đỏ với lớp khí bụi hỗn loạn bao quanh chúng.
Những chùm sáng rực rỡ tỏa ra từ CW Leonis là một trong những đặc điểm hấp dẫn nhất của ngôi sao. Chúng đã thay đổi độ sáng trông thấy trong khoảng thời gian chỉ 15 năm, cực kỳ ngắn về mặt thiên văn học. Nhóm vận hành Hubble suy đoán rằng những khoảng trống trong lớp bụi bao phủ CW Leonis có thể cho phép các chùm sáng đi xuyên qua và nhuốm màu lớp bụi, giống như đèn hiệu chiếu xuyên qua bầu trời nhiều mây. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác dẫn đến những thay đổi đáng kể về độ sáng của chúng vẫn chưa được hiểu rõ.
Đoàn Dương (Theo NASA)
- Ảnh chụp tinh vân trông như quái vật Godzilla
- Ảnh chụp 'viên ngọc vũ trụ' cách 68 triệu năm ánh sáng