Khám phá thứ nhất bao gồm 12 bức phù điêu hoàng gia - mỗi bức rộng 5 m và cao 2 m - được chạm khắc trực tiếp vào tường đá dọc theo một kênh thủy lợi dài gần 9 km tại địa điểm Faida ở phía nam thành phố Duhok.
Theo Bộ Cổ vật Iraq, chúng có niên đại từ thời kỳ vua Sargon II và Sennacherib trị vì đế quốc Tân Assyria vào giai đoạn 722 - 681 TCN. Sennacherib là con trai của Sargon II, kế vị cha từ năm 705 TCN.
"Các bức phù điêu thể hiện vua Assyria đang cầu nguyện trước thần linh. Chúng ta có thể nhìn thấy 7 vị thần quan trọng, bao gồm cả nữ thần tình yêu và chiến tranh Ishtar khắc phía trên con sư tử", nhà khảo cổ học Daniele Morandi Bonacossi, một thành viên trong nhóm khai quật, mô tả. "Nhiều nơi ở Iraq có phù điêu đá, đặc biệt là Kurdistan, nhưng không nơi nào khổng lồ và hoành tránh như nơi này".
Con kênh thủy lợi được đẽo vào đá vôi để dẫn nước từ những ngọn đồi gần đó đến đồng ruộng. Các bức chạm khắc dùng để nhắc nhở mọi người về vị vua đã ra lệnh xây dựng nó.
"Đó không chỉ là một khung cảnh tôn giáo cầu nguyện, mà nó còn mang tính chính trị, một loại tuyên truyền", Bonacossi nói thêm. "Bằng cách này, nhà vua muốn cho người dân trong khu vực thấy rằng ông chính là người tạo ra những hệ thống thủy lợi khổng lồ, vì vậy mọi người nên ghi nhớ và trung thành".
Tại Khinis, một địa điểm khảo cổ cách không xa Faida, nhóm nghiên cứu còn khai quật được những bồn đá lớn thuộc về một nhà máy sản xuất rượu thương mại từ thời kỳ vua Sennacherib.
"Chúng tôi tìm thấy 14 thiết bị dùng để ép nho và chiết xuất nước trái cây, thứ sau đó được chế biến thành rượu vang. Đây là một nhà máy sản xuất rượu công nghiệp quy mô lớn", Bonacossi nhấn mạnh.
Iraq nổi tiếng với một số thành phố sớm nhất trên thế giới. Bên cạnh người Assyria, nơi đây từng là quê hương của người Sumer và Babylon - hai trong những nền văn minh đầu tiên có chữ viết của nhân loại.
Đoàn Dương (Theo AFP)
- Phát hiện Đảo Vàng biến mất bí ẩn vào thế kỷ 14
- Khai quật ngôi đền nghi lễ chứa 29 hài cốt