Các nhà khảo cổ Đức phát hiện bánh hạt phỉ hạnh nhân làm từ cách đây 79 năm trong một căn hầm ở thị trấn Lubeck, Live Science hôm 22/10 đưa tin. Dù đã cháy đen trong một cuộc không kích từ Thế chiến II, chiếc bánh vẫn giữ nguyên hình dạng tổng thể, phần nhân hạt, các chi tiết trang trí, thậm chí cả lớp giấy nến bọc ngoài.
Giới khoa học từng phát hiện phần còn lại của các món ăn thời xưa bị cháy, nhưng chúng hiếm khi được bảo quản tốt như chiếc bánh này. Phát hiện mới cung cấp thông tin về một thời điểm đen tối trong lịch sử nước Đức, thể hiện sự mong manh của cuộc sống thời chiến.
Đêm 28/3/1942 và rạng sáng ngày 29, Không quân Hoàng gia Anh ném bom Lubeck, một thành phố lịch sử và là mục tiêu phi quân sự, để đáp lại cuộc tấn công của Đức Quốc xã ở Coventry, Anh, năm 1940, theo Dirk Rieger, người đứng đầu Phòng Khảo cổ thuộc Cơ quan Bảo vệ Di tích Lịch sử Thành phố Lubeck.
Chiếc bánh vừa được bóc ra khi bom dội xuống và toàn bộ các tầng của tòa nhà đều đổ sập xuống hầm. Bằng cách nào đó, nó đã thoát khỏi việc bị nghiền vụn. Sức nóng dữ dội của ngọn lửa nhanh chóng thiêu cháy và carbon hóa chiếc bánh giữa đống đổ nát.
Nhiều vật dụng khác nằm sâu bên dưới các tòa nhà, trong lớp trầm tích của Lubeck, cũng được bảo quản đặc biệt tốt, Rieger cho biết. Đến nay, các nhà khoa học đã thu hồi hơn 4 triệu đồ vật từ những cuộc khai quật xung quanh khu vực này. "Lớp đất bên dưới cấu tạo từ đất sét nên có thể bảo quản vật liệu hữu cơ rất tốt. Đào sâu khoảng 7 mét, bạn sẽ thấy dấu vết của những năm 1100", Rieger giải thích.
Công nhân tìm thấy bánh hạt phỉ hạnh nhân vào tháng 4, trong quá trình thi công ở khu Phố Cổ của Lubeck, gần tòa thị chính và khu chợ chính, theo Rieger. Vì tính chất lịch sử quan trọng của Lubeck, các chuyên gia giám sát toàn bộ hoạt động xây dựng trong thành phố. Họ cũng có mặt khi công nhân mở hầm và phát hiện chiếc bánh cháy đen cùng đĩa, dao, thìa và đĩa than trong đó có bản Sonata Ánh trăng của Beethoven.
Các nhà khoa học mang chiếc bánh đến phòng thí nghiệm, cẩn thận làm sạch rồi thu thập mẫu để xác định phần nhân. Bom mà Không quân Hoàng gia Anh thả xuống Lubeck chứa những hóa chất gây cháy, ví dụ như phốt pho, và họ cần đảm bảo rằng trên bánh không còn dấu vết của loại chất như vậy. Chúng có thể phản ứng khi tiếp xúc với hóa chất được dùng trong việc bảo quản các hiện vật giá trị.
Khi chiếc bánh đã sẵn sàng để trưng bày, Rieger hy vọng thông qua nó, mọi người sẽ nhìn thấy cả sự tàn phá của chiến tranh lẫn niềm vui mà người xưa từng có. "Đây là một buổi tiệc gia đình. Họ nghe nhạc, muốn uống một tách trà ngon và ăn chiếc bánh này. Một bữa tiệc thân mật bị phá hủy ngay tức khắc bởi chiến tranh", ông chia sẻ.
Thu Thảo (Theo Live Science)
- Phát hiện cửa hàng 'đồ ăn nhanh' 2.000 năm tuổi