Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos cho biết phi hành đoàn không gặp bất kỳ nguy hiểm nào. Tuy nhiên, đây là lần thứ hai tình huống khẩn cấp như vậy xảy ra với trạm ISS từ tháng 7, khi động cơ đẩy ở module mới của Nga bất ngờ khai hỏa khiến trạm ISS bị nghiêng trong thời gian ngắn.
Tai nạn mới nhất diễn ra vào sáng hôm 15/10 khi phi hành gia người Nga Oleg Novitsky tiến hành thử nghiệm động cơ trên tàu vũ trụ Soyuz MS-18, tàu chở người ghép nối với trạm ISS từ tháng 4. Theo lịch trình, con tàu sẽ chở phi hành gia Novitskiy, đạo diễn phim Klim Shipenko và nữ diễn viên Yulia Peresild trở về Trái Đất vào sáng ngày 17/10.
Khi thử nghiệm động cơ sắp kết thúc, động cơ đẩy tiếp tục hoạt động ngoài dự kiến, Leah Cheshier, phát ngôn viên của NASA, cho biết. Trạm ISS mất quyền kiểm soát vị trí trên quỹ đạo vào 16h ngày 15/10. Nhà chức trách Nga ở Moscow và trụ sở của NASA ở Houston bắt tay vào hành động trong suốt sự cố, chỉ đạo các phi hành gia khỏi động xử lý khẩn cấp. Các chuyên viên điều khiển bay khôi phục quyền kiểm soát trạm trong vòng 30 phút.
Theo Roscosmos, phương hướng của trạm vũ trụ tạm thời thay đổi nhưng nhanh chóng trở về vị trí bình thường sau khi chuyên gia người Nga can thiệp. Phát ngôn viên của Roscosmos từ chối cung cấp thêm chi tiết về sự cố. Timothy Creamer, người chỉ đạo bay của NASA, chia sẻ các phi hành gia người Mỹ nối lại liên lạc không lâu sau khi động cơ đẩy ngừng khai hỏa. Ông cho biết động cơ đẩy của Nga có thể ngừng khai hỏa do đã đạt tới giới hạn.
Hồi tháng 7, Nga ghép nối module Nauka với trạm vũ trụ trên quỹ đạo, bổ sung không gian mới cho các thí nghiệm khoa học ở khu vực do Nga quản lý. Vài giờ sau, động cơ đẩy của Nauka đột ngột hoạt động, khiến trạm ISS quay 540 độ. Tình trạng mất phương hướng tạo ra áp lực đối với thiết bị ở bên ngoài trạm. Sau sự cố với module Nauka, Zebulon Scoville, người chỉ đạo bay của NASA hôm đó, chia sẻ ông chưa bao giờ vui mừng như vậy khi trông thấy tất cả pin mặt trời và bộ tản nhiệt vẫn còn nguyên vẹn.
NASA và Nga duy trì quan hệ hợp tác lâu dài trên trạm ISS trong hai thập kỷ qua. Nhưng trong những năm gần đây, nhiều bộ phận của trạm trở nên cũ kỹ, dẫn tới một số lần rò khí ở khoang của Nga.
An Khang (Theo New York Times)
- Bên trong module Nga mới ghép nối với trạm ISS