Bằng cách xem xét các hình ảnh X-quang, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng một số loài trilobite, động vật chân đốt đã tuyệt chủng có quan hệ xa với cua móng ngựa, có "siêu mắt kép".
Đó là đôi mắt hoàn chỉnh với hàng trăm thấu kính, mạng lưới thần kinh riêng của chúng để xử lý và gửi tín hiệu và nhiều dây thần kinh thị giác. Nghiên cứu mới này vừa được công bố ngày 30/9 trên tạp chí Scientific Reports .
Các loài động vật chân đốt ngày nay, như chuồn chuồn và tôm bọ ngựa, cũng được biết đến với đôi mắt kép mạnh mẽ, mỗi loài được trang bị một ống kính riêng, giống như một quả cầu.
Tuy nhiên, theo những phát hiện mới, mắt kép của trilobite lớn hơn và phức tạp hơn nhiều so với họ hàng ngày nay của chúng. Mỗi mắt chứa hàng trăm thấu kính. Với bề ngang gần một milimét, những thấu kính chính này lớn hơn hàng nghìn lần so với thấu kính của động vật chân đốt điển hình.
Tác giả chính của nghiên cứu, Brigitte Schoenemann, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Cologne, Đức, cho biết: "Mỗi mắt lớn là một mắt siêu kép với tối đa 200 mắt nhỏ mỗi mắt."
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng các kỹ thuật tăng cường ảnh để kiểm tra hàng chục bức ảnh lưu trữ, tham khảo chéo với những phát hiện gần đây. Trong quá trình này, họ cũng giải mã một cuộc tranh luận khoa học lâu đời. Họ xác nhận rằng một loạt "sợi" bí ẩn được nhìn thấy trong ảnh chụp X-quang từ hơn 40 năm trước thực sự là các bó dây thần kinh thị giác.
Nigel Hughes, một chuyên gia về trilobite tại Đại học California Riverside, cho rằng, nghiên cứu mới này khá thuyết phục vì hệ quang học chỉ có một chức năng duy nhất: thị giác.
Kết quả nghiên cứu mới này đã giải mã bí ẩn mà gần 50 năm trước bác sỹ X- quang chuyên nghiệp và nhà cổ sinh học nghiệp dư Wilhelm Stürmer, người Đức đã từng nêu ra và bị cười nhạo. Các nhà cổ sinh vật học khác cho rằng, Stürmer đã nhầm các sợi quang học với mô thần kinh thị giác. Tuy nhiên, bác sĩ X-quang người Đức này vẫn kiên định với phát hiện của mình.
Theo Tiền phong