Kết quả phân tích đá núi lửa basalt do tàu Hằng Nga 5 mang về từ Mặt Trăng cho thấy, chúng hình thành từ magma trong một vụ phun trào núi lửa diễn ra khoảng hai tỷ năm trước. Số mẫu vật này nằm trong 1,73 kg đá mà con tàu thu thập tại khu vực mang tên Oceanus Procellarum tháng 12 năm ngoái. Nghiên cứu do 25 chuyên gia từ Australia, Anh, Trung Quốc, Thụy Điển và Mỹ tiến hành, xuất bản trên tạp chí Science hôm 8/10.
Đây là mẫu đá núi lửa trẻ nhất từng thu thập trên Mặt Trăng. Mẫu vật Mặt Trăng thu được từ các nhiệm vụ trước đó như Apollo và Luna có niên đại tới hơn ba tỷ năm.
"Các quan sát từ xa chỉ ra, có thể tồn tại basalt trẻ trên Mặt Trăng, nhưng đây là sự xác nhận trực tiếp đầu tiên cho thấy chúng thực sự tồn tại. Kết quả này cũng giúp xác nhận rằng các kỹ thuật quan sát từ xa của chúng tôi hiệu quả - tin tốt cho những người nghiên cứu Mặt Trăng và cả các hành tinh khác như sao Hỏa", Alexander Nemchin, tác giả chính của nghiên cứu, giáo sư tại Trung tâm Công nghệ và Khoa học Vũ trụ thuộc Đại học Curtin (Australia), cho biết.
Oceanus Procellarum hình thành từ dung nham đông cứng lại sau một vụ phun trào núi lửa cổ đại. Khu vực này chứa nhiều nguyên tố sinh nhiệt, gồm kali, thorium và uranium. Chúng sinh nhiệt qua quá trình phân rã phóng xạ và có thể đã duy trì hoạt động magma kéo dài ở nửa gần của Mặt Trăng. Tuy nhiên, các phân tích hiện tại vẫn chưa xác định được cụ thể nguồn nhiệt gây ra hoạt động núi lửa muộn.
Nhóm chuyên gia quốc tế làm việc từ xa với một phòng thí nghiệm ở Bắc Kinh để xác định tuổi của mẫu đá Mặt Trăng bằng các máy khối phổ. Nemchin cho biết, bước tiếp theo sẽ là tìm hiểu quá trình hình thành của số đá này.
"Nghiên cứu nguyên tố sinh nhiệt là một trong những bước đầu tiên chúng tôi cần làm để tìm hiểu cơ chế hình thành basalt trẻ. Một cuộc nghiên cứu hóa học toàn diện sẽ giúp xác định magma hình thành trong những điều kiện nào và chỉ ra cơ chế hình thành cụ thể", ông nói.
Trung Quốc dự định phóng tàu đổ bộ Mặt Trăng tiếp theo, Hằng Nga 6, vào năm 2024. Con tàu sẽ thu thập mẫu vật gần cực nam rồi trở về Trái Đất. Trạm đổ bộ và robot Hằng Nga 4, phóng cuối năm 2018, đã thu thập dữ liệu hơn 1.000 ngày ở nửa tối của Mặt Trăng.
Thu Thảo (Theo SCMP)
- Robot Trung Quốc lập kỷ lục ở 1.000 ngày trên Mặt Trăng
- NASA chọn địa điểm hạ cánh robot thăm dò Mặt Trăng