Hồ nước trong công viên dành cho chó University Lake ở thành phố Anchorage, Alaska, dựng biển cảnh báo rái cá kèm hình ảnh và lời giải thích rằng một nhóm rái cá sông đã tấn công chó và cắn người gần hồ hôm 20/9. Người bị thương là một phụ nữ đã nhanh chóng lao tới cứu vật nuôi của mình khỏi bầy rái cá hung hãn. Cùng ngày, chúng cũng cắn một con chó khác gần hồ, theo Sở Cá và Động vật hoang dã Alaska (ADFG).
Rắc rối với rái cá ở Anchorage xảy ra từ đầu tháng 9, khi một cậu bé 9 tuổi bị sinh vật này cắn nhiều lần ở hồ East Anchorage. Cậu bé đang quay video đàn rái cá thì một con trong số đó bất ngờ tách ra, lao thẳng về phía cậu và anh trai. Khi cả hai chạy trốn, cậu bé 9 tuổi vấp ngã và bị con vật cắn vào chân.
ADFG yêu cầu người dân địa phương thận trọng nếu ở gần sông, lạch và suối sau khi các cuộc tấn công xảy ra. Đây không phải lần đầu tiên rái cá sông có hành động hung hăng với con người và vật nuôi, nhưng hành vi này cũng hiếm gặp.
Các nhà chức trách đang điều tra xem liệu các vụ việc có liên quan đến cùng một nhóm rái cá không. David Battle, nhà sinh vật học tại ADFG, cho rằng trường hợp này rất có khả năng xảy ra.
"Dường như luôn có 4 hoặc 5 con rái cá tham gia vào tất cả các vụ việc. Dựa vào mức độ hiếm gặp của hành vi này ở rái cá, cuộc tấn công đầu tiên được báo cáo vào năm 2019 và việc hành vi này đã xảy ra nhiều lần từ đó đến nay, thủ phạm rất có thể là một nhóm rái cá đã sống cùng nhau hoặc thường xuyên tụ tập với nhau trong một khoảng thời gian", Battle nói.
Vì nguy cơ đối với sự an toàn chung, các chuyên gia sẽ nỗ lực xác định vị trí của nhóm rái cá sông và loại bỏ chúng, theo ADFG. Công việc này sẽ được tiến hành một cách thận trọng để chỉ loại bỏ những con có hành vi bất thường.
Kể cả khi ADFG xác định được thủ phạm có phải cùng một nhóm rái cá hay không, việc truy tìm chúng cũng không dễ. Nguyên nhân là rái cá không có lãnh thổ cố định và có thể định kỳ lên đất liền để chuyển từ vùng nước này sang vùng nước khác.
Trong trường hợp phát hiện nhóm rái cá có dấu hiệu hung hăng với người và chó, các nhà chức trách dự định loại bỏ từng con một và xét nghiệm chúng sau khi chết xem có mắc bệnh dại không. ADFG cũng giải thích, việc di dời nhóm rái cá không khả thi vì biện pháp này sẽ chỉ chuyển mối đe dọa đến một địa điểm khác.
Thu Thảo (Theo Smithsonian)
- Rái cá lớn tái xuất trên sông sau hơn 100 năm