Chủ nhân giải Nobel Vật lý: Tôi chỉ làm vì tò mò

Syukuro Manabe, nhà khoa học Nhật làm việc tại Mỹ ngạc nhiên vì "lần đầu tiên giải Nobel được trao cho loại công trình như của tôi - nghiên cứu về biến đổi khí hậu".


Khi nghiên cứu về mô hình khí hậu được công bố đoạt giải Nobel Vật lý 2021, không chỉ chủ nhân giải thưởng mà nhiều nhà khoa học trên thế giới cũng vô cùng phấn khích.


"Tôi cực kỳ ấn tượng khi khí hậu cũng nằm trong 'radar' của ủy ban trao giải Nobel. Đây không phải điều thường thấy với họ. Việc đề tài này được họ công nhận thật đáng chú ý", Gavin Schmidt, giám đốc Viện Khoa học Vũ trụ Goddard thuộc NASA - trung tâm hàng đầu về mô hình khí hậu toàn cầu, cho biết.


Syukuro Manabe cũng rất kinh ngạc và vinh dự khi nhận được cuộc gọi báo tin mình đoạt giải Nobel năm nay. "Thông thường, giải Nobel sẽ trao cho các nhà vật lý có đóng góp mang tính nền tảng cho vật lý. Công trình của tôi đúng là dựa trên vật lý, nhưng là vật lý ứng dụng, địa vật lý. Đây là lần đầu tiên giải Nobel được trao cho loại công trình như của tôi - nghiên cứu về biến đổi khí hậu", ông chia sẻ.


"Tôi chưa bao giờ tưởng tượng được những gì mình nghiên cứu lại có kết quả to lớn như vậy. Tôi chỉ làm vì sự tò mò mà thôi", Manabe chia sẻ trong buổi họp báo tại Đại học Princeton, nơi ông đang làm việc.


Dù đoạt giải Nobel danh giá cho công trình về khí hậu, ước mơ thời nhỏ của Manabe lại không phải là một nhà khí tượng.


Manabe sinh ra tại Shingu, Nhật Bản, năm 1931, trong một gia đình có truyền thống y học. "Tôi đến từ một vùng nông thôn và là con trai út của một bác sĩ y khoa. Ông tôi cũng là bác sĩ. Vì vậy, khi còn nhỏ, tôi luôn muốn trở thành bác sĩ. Đại loại, tôi nghĩ rằng mọi người, anh tôi và tất cả người thân đều sẽ học trường y", ông chia sẻ trong buổi phỏng vấn với Viện Vật lý Mỹ (AIP).


Tuy nhiên, Manabe dần trở nên hứng thú với toán hay vật lý hơn là sinh học. Ông theo học tại Đại học Tokyo và nhận bằng cử nhân năm 1953, bằng tiến sĩ năm 1958. Cũng trong năm 1958, ông tới Mỹ để làm việc tại Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ, áp dụng vật lý để lập mô hình các hệ thống thời tiết.


"Tôi nghiên cứu địa vật lý tại trường sau đại học của Đại học Tokyo. Sau đó, tôi quyết định tập trung vào khí tượng, Thời điểm đó, dự báo thời tiết giống một môn nghệ thuật hơn là khoa học. Bạn biết đấy, quan sát bản đồ thời tiết trong quá khứ và dự đoán dựa vào quốc gia và kinh nghiệm", Manabe chia sẻ trong buổi phỏng vấn qua điện thoại với Adam Smith, giám đốc khoa học tại Nobel Media.


Manabe đã khai thác sức mạnh tính toán của các máy tính thời sơ khai và áp dụng nó vào nghiên cứu khí hậu, theo CNN. Cuối những năm 1960, mô hình hoàn lưu khí hậu của ông được thực hiện trên chiếc máy tính to bằng cả căn phòng với bộ nhớ chỉ nửa megabyte. Sau hàng trăm giờ thử nghiệm, mô hình cho thấy CO2 có ảnh hưởng lớn - khi mức CO2 tăng gấp đôi, nhiệt độ toàn cầu tăng hơn 2 độ C.


Ngoài mô hình CO2, Manabe cùng các đồng nghiệp cũng dự đoán dòng nước ngọt chảy vào biển do băng tan ở vùng cực sẽ làm thay đổi sự luân chuyển nước trong các đại dương, làm chậm hệ thống hải lưu vận chuyển nước toàn cầu, ảnh hưởng đến nhiệt độ lục địa và mực nước ven bờ như thế nào. Ông cũng chỉ ra rằng sự ấm lên có thể định hình các cơn bão nhiệt đới.


Manabe là nhà khoa học đầu tiên thực hiện một tính toán toàn diện đáng tin cậy, theo Gunnar Ingelman, thư ký của ủy ban Nobel Vật lý. Ngày nay, gần như mọi mô hình khí hậu đều dựa vào nghiên cứu đột phá của Manabe.


"Trong suốt sự nghiệp của mình, ông đã chứng kiến dự báo thời tiết và dự đoán khí hậu chuyển đổi từ một môn nghệ thuật thành khoa học. Thật tuyệt vời", Adam Smith nói với Manabe.


Cùng nhận 1/2 giải Nobel Vật lý 2021 với Syukuro Manabe là nhà khoa học Klaus Hasselmann, người lập ra mô hình liên kết thời tiết và khí hậu, trả lời cho câu hỏi tại sao các mô hình khí hậu vẫn đáng tin cậy dù thời tiết hỗn loạn và thay đổi liên tục. 1/2 giải Nobel còn lại được trao cho Giorgio Parisi với nghiên cứu về các hệ thống vật lý phức tạp.


Thu Thảo (Tổng hợp)









Chu nhan giai Nobel Vat ly: 'Toi chi lam vi to mo'


Syukuro Manabe, nha khoa hoc Nhat lam viec tai My ngac nhien vi "lan dau tien giai Nobel duoc trao cho loai cong trinh nhu cua toi - nghien cuu ve bien doi khi hau".

Chủ nhân giải Nobel Vật lý: 'Tôi chỉ làm vì tò mò'

Syukuro Manabe, nhà khoa học Nhật làm việc tại Mỹ ngạc nhiên vì "lần đầu tiên giải Nobel được trao cho loại công trình như của tôi - nghiên cứu về biến đổi khí hậu".
Chủ nhân giải Nobel Vật lý: Tôi chỉ làm vì tò mò
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: