CAS Space, công ty công nghệ của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS), đang phát triển tên lửa chở vệ tinh thương mại. Hồi tháng 8, họ thông báo kế hoạch chở người vào không gian. CAS Space đang phát triển tên lửa tái sử dụng một tầng có thể đưa tối đa 7 hành khách bay qua đường Kármán (100 km), ranh giới giữa khí quyển Trái Đất và không gian, trong 10 phút. Hình ảnh minh họa dự án của CAS Space hé lộ mẫu tên lửa khá giống tên lửa du lịch không gian cận quỹ đạo New Shepard của Blue Origin và tàu Crew Dragon của SpaceX.
Dù có hình dáng tương tự tên lửa New Shephard, những điểm khác biệt bao gồm 5 động cơ kerosene - oxy lỏng mang tên "Hiên Viên" thay vì một động cơ hydro - oxy lỏng BE-3 như tên lửa của Blue Origin. Theo hình vẽ, các cánh bằng lưới phần đầu tên lửa sẽ giúp phương tiện hạ cánh. Thay thế càng tiếp đất, cánh tay gắn ở tháp phóng sẽ "bắt" tên lửa, giống ý tưởng của SpaceX cho tên lửa Starship Super Heavy khổng lồ. Trong khi đó, khoang tàu chở khách sẽ hạ cánh với sự hỗ trợ của 3 chiếc dù.
Trong năm 2022, CAS Space sẽ tiến hành chuyến bay thử nghiệm đầu tiên, giúp xác nhận bản vẽ có mô tả chính xác thiết kế tên lửa của công ty hay không. Chuyến bay thử nghiệm cận quỹ đạo hoàn chỉnh sẽ diễn ra vào năm 2023. Công ty sẽ cung cấp dịch vụ du lịch cận quỹ đạo từ năm 2024. Đây là một kế hoạch tham vọng. Tên lửa New Shephard của Blue Origin thực hiện chuyến bay không người lái đầu tiên vào tháng 4/2015. Chuyến bay chở người đầu tiên của phương tiện diễn ra sau hơn 6 năm và 14 lần phóng, đưa nhà sáng lập Jeff Bezos và ba hành khách khác lên không gian cận quỹ đạo hôm 20/7/2021.
CAS Space thành lập vào tháng 12/2018. Công ty bắt đầu phát triển tên lửa nhiên liệu rắn, sau đó chuyển sang phương tiện phóng sử dụng nhiên liệu đẩy lỏng phức tạp hơn. Đầu năm nay, CAS Space thông báo tên lửa nhiên liệu rắn ZK-1A sẵn sàng phóng vào tháng 9. Công ty đang xây dựng nhà máy ở thành phố Quảng Châu. CAS Space cũng thử nghiệm phương tiện phóng và hạ cánh thẳng đứng hồi tháng 4, hướng tới chế tạo tên lửa nhiên liệu đẩy lỏng tái sử dụng.
An Khang (Theo Space)
- Trung Quốc thử nghiệm thu hồi 'mũi hình nón' của tên lửa