Vệ tinh Thập Yển 10 phóng vào không gian trên tên lửa Trường Chinh 3B, cất cánh từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương ở tây nam Trung Quốc vào khoảng 15h20 ngày 27/9 theo giờ Hà Nội. Tàu vũ trụ này đánh dấu lần phóng thứ hai lên quỹ đạo của Trung Quốc trong cùng ngày, sau vệ tinh Cát Lâm 1 Cao Phân 02D bay trên tên lửa Khoái Châu 1A từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở tây bắc Trung Quốc vào 13h19 theo giờ Hà Nội. Vệ tinh Cát Lâm 1 Cao Phân 02D đã tiến vào quỹ đạo thành công.
Truyền thông Trung Quốc hôm 28/9 xác nhận sự cố của vệ tinh Thập Yển 10. Con tàu không hoạt động như dự kiến và bị hỏng sau khi phóng thành công trước đó một ngày. Không lâu sau chuyến bay, một vệt sáng lóe lên trên bầu trời đêm ở New South Wales, Australia, nhiều khả năng do tầng trên của tên lửa Trường Chinh 3B bốc cháy gây ra, chứng tỏ vệ tinh bay đúng lộ trình.
Trung Quốc không tiết lộ tên gọi và mục đích của khối hàng trên tên lửa Trường Chinh 3B. Tuy nhiên, dữ liệu từ Không quân Mỹ cho thấy khối hàng hướng tới quỹ đạo địa đồng bộ quanh Trái Đất. Vài giờ sau khi phóng, vệ tinh Thập Yển 10 tách khỏi tầng trên của tên lửa. Trong khi phương tiện phóng là tên lửa Trường Chinh 3B được xác nhận hoạt động bình thường, vệ tinh Thập Yển 10 gặp điều kiện hoạt động bất thường. Nhà chức trách thông báo nhiệm vụ thất bại hôm 28/9.
Buổi phóng tàu hôm 27/9 là chuyến bay đầu tiên của tên lửa Khoái Châu 1A sau khi phóng hỏng vệ tinh Cát Lâm 1 Cao Phân 02C hồi tháng 9/2020. Tên lửa này đưa vệ tinh Cát Lâm 1 Cao Phân 02D vào quỹ đạo theo đúng kế hoạch. Cát Lâm 1 Cao Phân 02D là vệ tinh quan sát Trái Đất độ phân giải cao, nằm trong chòm 138 vệ tinh viễn thám quang học hiệu suất cao mang tên Cát Lâm 1 của Trung Quốc.
Đây là lần phóng tàu lên quỹ đạo thứ 35 và 36 của Trung Quốc trong năm 2021. Hoạt động phóng tàu do Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hàng không Trung Quốc (CASC) thực hiện. CASC đang nhắm tới hơn 40 nhiệm vụ trong năm nay.
An Khang (Theo Space)
- Trung Quốc phóng vệ tinh quan sát Mặt Trời đầu tiên tháng sau