Trong báo cáo hôm 27/9, nhóm nghiên cứu từ Đại học Flinders cho biết bộ xương có niên đại từ thế Tiệm Tân cách đây 25 triệu năm thuộc về một loài mới, được đặt tên là Archaehierax sylvestris.
"Nó nhỏ và gầy hơn một chút so với đại bàng đuôi nhọn ngày nay, nhưng là loài đại bàng lớn nhất từng được biến đến ở Australia trong khoảng thời gian này. Sải chân dài gần 15 cm cho phép nó săn những loài thú có túi lớn như koala tiền sử với kích thước tương đường một con chó", Tiến sĩ Ellen Mather từ Đại học Flinders, tác giả đầu tiên của nghiên cứu, mô tả.
Hóa thạch hiếm của Archaehierax sylvestris được bảo quản rất tốt với 63 mảnh xương, biến nó trở thành một trong những mẫu vật đại bàng tiền sử hoàn chỉnh nhất trên thế giới. Điều này cho phép các nhà nghiên cứu xác định vị trí của sinh vật trên cây tiến hóa.
"Nó có một loạt các đặc điểm không giống với bất kỳ loài đại bàng hay diều hâu hiện đại nào. Archaehierax sylvestris dường như là một nhánh độc nhất trong cây tiến hóa", Mather giải thích.
Các xương hóa thạch cho thấy đôi cánh của Archaehierax tương đối ngắn so với kích thước cơ thể, cho phép chúng né cây cối khi săn mồi trong rừng. Trong khi đó, sải chân dài mang lại cho sinh vật một dáng vẻ cao ráo. Sự kết hợp của những đặc điểm này cho thấy Archaehierax khá nhanh nhẹn và có thể là một kẻ săn mồi phục kích. Nó là loài chim đứng đầu chuỗi thức ăn trong khu vực.
Nhóm nghiên cứu không biết rõ tại sao và khi nào loài đại bàng này tuyệt chủng. Sự thay đổi của môi trường sống có thể là một nguyên nhân. Địa điểm phát hiện hóa thạch, nằm gần hồ Pinpa ở bang South Australia, ngày nay rất khô cằn và hoang vắng. Tuy nhiên, nó rất khác trong thế Tiệm Tân với cảnh quan tươi tốt được bao phủ bởi rừng và cây xanh.
Khám phá được xuất bản trên tạp chí Historical Biology mang tới cái nhìn sâu sắc hơn về lịch sử tiến hóa lâu đời của các loài chim săn mồi ở Australia.
Đoàn Dương (Theo SciTech Daily)
- Hóa thạch 'gà địa ngục' 168 triệu năm
- Phát hiện loài khủng long sát thủ lớn ngang T-rex