Vệ tinh của Việt Nam sẵn sàng phóng vào đầu tháng 10

Vệ tinh NanoDragon do Việt Nam chế tạo là một trong số hơn 20 mô hình ứng dụng công nghệ vũ trụ vào đời sống, giai đoạn 2016-2020.


Tại cuộc họp tổng kết Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ Vũ trụ giai đoạn 2016-2020 (Chương trình), sáng 27/9, PGS.TS. Doãn Minh Chung, Chủ nhiệm Chương trình, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, đã có 26 đề tài nghiên cứu được triển khai. Nội dung tập trung ứng dụng công nghệ vũ trụ vào phát triển kinh tế - xã hội, ứng dụng các mô hình, thuật toán phân tích giải đoán các dữ liệu vệ tinh phục vụ giám sát, quản lý tài nguyên thiên nhiên, môi trường, biển đảo, thiên tai bảo đảm quốc phòng an ninh...


Trong đó, đề tài nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano với sản phẩm là vệ tinh NanoDragon do Trung tâm vũ trụ Việt Nam chế tạo thành công đã chuyển sang Nhật Bản, sẵn sàng cho lịch phóng vào đầu tháng 10 tới tại Trung tâm Vũ trụ Uchinoura, tỉnh Kagoshima.


Vệ tinh NanoDragon có khối khoảng 4 kg, có kích thước 3U (100x100 x340,5mm) được phát triển với mục đích chứng minh có thể dùng công nghệ chùm vệ tinh cỡ siêu nhỏ để thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy sử dụng cho mục đích theo dõi, giám sát phương tiện trên biển.


Vệ tinh NanoDragon cũng được thiết kế để nhằm xác minh chất lượng của hệ thống điều khiển và xác định tư thế vệ tinh và một máy tính tiên tiến mới được phát triển riêng dành cho vệ tinh cỡ nhỏ. Vệ tinh NanoDragon dự kiến sẽ hoạt động ở quỹ đạo đồng bộ mặt trời ở độ cao khoảng 560 km.


Ngoài sản xuất vệ tinh, Chương trình đã xây dựng được cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia, trong đó có phương pháp định danh ảnh VNREDSat-1 trên toàn thế giới. Có 24 bộ số liệu và cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên đề ảnh vệ tinh đã được phát triển, phục vụ cho nhu cầu giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường, và thiên tai của Việt Nam. Trên 20 mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ phục vụ phát triển kinh tế xã hội, trong đó sử dụng vệ tinh Việt Nam, giám sát và dự báo thiên tai được triển khai.


Các mô hình và quy trình sử dụng dữ liệu ảnh vệ tinh và các nguồn dữ liệu khác để xác định nồng độ các chất ô nhiễm nước, tính toán phát thải khí carbon, cảnh báo nhanh sự cố môi trường biển, đánh giá hình thái và quy mô bố trí cơ sở, trận địa quân sự, giám sát hành lang bảo vệ bờ biển... Hệ thống WebGIS sử dụng trong quản lý và giám sát tài nguyên, môi trường, thiên tai, chất lượng nước, lớp phủ rừng, mức độ ô nhiễm không khí... cũng là thành tựu đáng nói của công nghệ vũ trụ thời gian qua.


Các nhóm nghiên cứu trong Chương trình đã xây dựng phần mềm phục vụ điều khiển vệ tinh, xử lý nâng cao chất lượng ảnh vệ tinh; phần mềm mô phỏng công nghệ chế tạo, thử nghiệm vệ tinh và Trạm mặt đất, phương tiện phóng vệ tinh;


Các hệ thống phần mềm hỗ trợ tích hợp thông tin giám sát một số mục tiêu, đối tượng (tàu thuyền và giàn khoan) trên vùng biển Việt Nam; mô phỏng công nghệ chế tạo, thử nghiệm vệ tinh cỡ Nano; Phần mềm mô phỏng công nghệ chế tạo, thử nghiệm tên lửa đẩy... đã được triển khai.


PGS.TS Doãn Minh Chung nhận định, Chương trình đã hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra. Các nhiệm vụ khoa học được lựa chọn để thực hiện đều có hàm lượng khoa học công nghệ cao, đáp ứng được các nhu cầu cấp thiết về nghiên cứu triển khai, ứng dụng công nghệ vũ trụ giải quyết các vấn đề cấp bách của khoa học, công nghệ, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.


Ông Chung cũng chỉ ra một số điểm còn tồn tại của Chương trình đó là chưa bao quát được hết các nội dung được phê duyệt. Trong đó, ứng dụng vệ tinh viễn thông kết nối với hạ tầng quốc gia, nghiên cứu cơ bản về vật liệu trong môi trường vũ trụ... chưa được nghiên cứu tới do nội dung quá rộng, chưa có đủ kinh phí và thời gian triển khai trên thực tế.


Trong giai đoạn đến năm 2030, các nhà khoa học kiến nghị các cơ quan quản lý tiếp tục cải tiến thủ tục hành chính, quy trình đề xuất và xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Các đề tài nghiên cứu nâng cao chất lượng và tăng tính ứng dụng thực tiễn.


Các nhà khoa học cũng mong muốn tăng mức đầu tư, rút ngắn thời gian phê duyệt các đề tài, đặc biệt là các đề tài nghiên cứu phát triển công nghệ, tạo điều kiện cho việc hoàn thành các sản phẩm chất lượng cao.


Tô Hội









Ve tinh cua Viet Nam san sang phong vao dau thang 10


Ve tinh NanoDragon do Viet Nam che tao la mot trong so hon 20 mo hinh ung dung cong nghe vu tru vao doi song, giai doan 2016-2020.

Vệ tinh của Việt Nam sẵn sàng phóng vào đầu tháng 10

Vệ tinh NanoDragon do Việt Nam chế tạo là một trong số hơn 20 mô hình ứng dụng công nghệ vũ trụ vào đời sống, giai đoạn 2016-2020.
Vệ tinh của Việt Nam sẵn sàng phóng vào đầu tháng 10
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: